Bạc tín phiếu của Liên khu V
Trong kháng chiến chống Pháp, Chính phủ cho thành lập tạm ba khu vực tiền tệ riêng biệt: Khu vực 1: Các liên khu III, IV và Việt Bắc. Khu vực 2: Trung bộ và miền Nam Trung bộ (Liên khu V gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). Khu vực 3: Nam bộ. Năm 1947, Chính phủ cho phép Liên khu V phát hành tín phiếu mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng,100 đồng và 500 đồng, tín phiếu có giá trị như giấy bạc Việt Nam.
Tín phiếu Liên khu V được in tại hai địa điểm: thôn Xà Nai, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Mẫu tín phiếu do họa sĩ Hoàng Kiệt vẽ. Bảng ảnh in bằng đồng do thợ khắc Văn Hồ thực hiện. Giấy in ban đầu là loại giấy học trò, sau là giấy nội hóa, làm bằng cây giang, rơm.
Tại Bình Định, để hoàn thành nhiệm vụ tổng động viên nhân tài, vật lực nhằm phục vụ chiến trường và chuẩn bị để chuyển mạnh sang tổng tấn công, Đảng và chính quyền đã tiến hành tổng động viên nguồn lực theo hai bước:
Bước 1, từ ngày 1.3.1950 đến 15.6.1950, vận động quỹ nuôi quân với mức do Khu quy định là 150 triệu đồng.
Bước 2, từ ngày 16.6.1950 đến 15.8.1950 vận động quỹ tổng phản công nộp cho Khu là 700 triệu đồng. Ở bước 1, toàn tỉnh huy động được 174,5 triệu đồng tín phiếu nuôi quân; ở bước 2 được 662,5 triệu đồng, dẫn đầu các tỉnh Liên khu V.
Đến năm 1952, Liên khu V ngừng phát hành tín phiếu do đã đủ điều kiện phát hành giấy bạc Ngân hàng Nhà nước đưa từ Trung ương vào. Nhưng các loại tín phiếu vẫn được sử dụng cho đến ngày 20.7.1954 khi Hiệp định Genève được ký kết.
Bảo tàng tỉnh Bình Định đang lưu giữ bộ sưu tập bạc tín phiếu của Liên khu V do ông Lê Đức Phong, nguyên Đội trưởng Đội thiếu niên Cố Tiến hiến tặng (ảnh). Đây là số tín phiếu thuộc Quỹ Đội thiếu niên Cố tiến ở xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ.
NGUYỄN THỊ THANH TRÀ