Kiều bào chung tay đưa hàng Việt vào Mỹ
Ngày 12.11, tại hội nghị trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ” diễn ra tại TPHCM, đã có 6 biên bản ghi nhớ và 5 hợp đồng kinh tế trị giá hơn 200 triệu USD được ký kết để đưa hàng nông sản Việt Nam vào Mỹ.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp (DN) tại ĐBSCL như Tiền Giang, Đồng Tháp… giới thiệu với các doanh nhân kiều bào về tiềm năng và lợi thế sản xuất các loại nông sản giá trị cao. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều năm qua, địa phương tìm hướng đi mới cho các sản phẩm trái cây, không tiêu thụ thô và bó hẹp trong thị trường nội địa mà bung ra, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thị trường Mỹ bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm với mục tiêu gắn bó lâu dài. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã xuất khẩu trái cây qua hơn 100 quốc gia với doanh thu trên 1,2 tỷ USD, trong đó riêng doanh số tại thị trường Mỹ Hoa Kỳ đạt hơn 200 triệu USD.
Doanh nhân Jame Bình Nguyễn (Kiều bào Mỹ), Chủ tịch Phòng thương mại Việt - Mỹ tại Whasington DC nói: “Phòng thương mại Việt - Mỹ tại Whasington DC đã làm việc trực tiếp với chính quyền bang. Từ Thống đốc đến các dân biểu đều trông chờ hợp tác. Chúng tôi đã sẵn sàng…”
Còn ông Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam tại Mỹ (Verosa) “khoe” đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu của hàng trăm DN ở Mỹ và sẵn sàng hợp tác với các DN Việt Nam. Doanh nhân này ví von: “Chúng tôi luôn tâm niệm muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
Theo bà Uyên My Nguyễn (kiều bào Mỹ), Mỹ nhập trái cây từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trái thanh long Việt Nam tuy được đánh giá là số 1 nhưng chỉ tiêu thụ được trong cộng đồng người Á Đông, chưa có chỗ đứng tại phân khúc người Mỹ gốc Âu, vì chất lượng chưa đồng đều, đặc biệt là chưa đáp ứng tốt các tiêu chuẩn và quy định rất khắt khe về thuốc bảo vệ thực vật.
Ông David Dương - Chủ tịch Công ty California Waste Solutions có trụ sở tại Bắc California - Mỹ đồng tình: Cắt 2 trái thanh long cùng một lô ra ăn, trái này ngọt còn trái kia có vị chua là không được. Mình phải làm sao để chất lượng, mùi vị đồng bộ thì mới tiêu thụ lâu dài được. Phải tổ chức hướng dẫn cho nông dân để tạo ra sản phẩm có chất lượng, hương vị đồng đều.
Theo ông Bùi Phi Sơn, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, 2 rào cản lớn nhất đối với hàng Việt vào thị trường Mỹ là chính sách và thị trường. Đến nay mới có 6 loại quả tươi được nhập vào Mỹ như thanh long, xoài, vải,… Rào cản thứ hai là về chính sách của Mỹ đòi hỏi rất cao về khoa học công nghệ. Hàng Việt vào Mỹ không thể cạnh tranh về giá, trong khi hầu hết DN trong nước chưa biết cách tiếp thị quảng bá sản phẩm để bán được hàng.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) Nguyễn Trác Toàn cho biết, trong năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt 77,6 tỷ USD. Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 2 triệu người với 310.000 cơ sở kinh doanh, trong đó hầu hết đều hướng về Tổ quốc và tăng cường kết nối với DN trong nước. Một số DN kiều bào phối hợp DN Mỹ đặt hàng các nông trại sản xuất nông sản tại Việt Nam.
Theo HUY THỊNH (TPO)