Ấn tượng Hoài Nhơn
* Ký của HUỲNH THÚC GIÁP
Hoài Nhơn là địa phương cực Bắc của tỉnh Bình Định. Hơn 20 năm trước, do yêu cầu công việc, tôi vẫn hay đến Hoài Nhơn và có nhiều kỷ niệm đẹp về con người, vùng đất này.
Chẳng hạn như có lần, sau khi làm việc, được anh em địa phương nhiệt tình mời vài cốc rượu gạo, do tửu lượng kém nên tôi say rất nhanh. Tối, khi về đến một nhà trọ ở Bồng Sơn thì tôi đã mệt lắm rồi. Thấy vậy, anh chủ nhà trọ đã mở karaoke, bảo tôi ngồi ê a cho giã rượu. Quả nhiên, cái cách “chữa trị” của anh chủ nhà trọ đã giúp tôi đánh tan cơn say rất nhanh. Một kỷ niệm vui vui nhưng cho thấy sự ấm áp, chân tình của con người xứ Dừa.
Từ trái qua: Đại diện Báo Thanh Niên và ca sĩ Quang Dũng tặng quà cho người dân TX Hoài Nhơn bị thiệt hại do bão số 9. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Đặc biệt hơn cả là cái cách làm việc cởi mở, thân thiện của lãnh đạo từ huyện đến các xã, đã tạo ấn tượng rất đẹp đối với những phóng viên trẻ như tôi lúc đó. Khi ấy, tôi còn là phóng viên Báo Bình Định, gần như cứ cách vài tuần là tôi và anh Trần Bá Phùng lại rong ruổi ở Hoài Nhơn để viết tin bài, nhất là mảng thương binh xã hội, thủy sản… và đều được lãnh đạo huyện tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp.
Sau này, cũng do yêu cầu công việc, nên tôi ít có dịp ghé đến Hoài Nhơn. Nhưng từ sau bão số 9 đến nay, tôi liên tục đi về Hoài Nhơn, mang tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên đến chia sẻ với những gia đình gặp mất mát, khó khăn do cơn bão quái ác này gây ra.
Lần trở lại này, Hoài Nhơn tiếp tục gây nhiều ấn tượng đẹp trong tôi. Từ huyện lên thị xã, Hoài Nhơn đã đổi thay nhanh chóng, ra dáng một đô thị hiện đại. Xen kẽ những vườn dừa xanh là những ngôi nhà khang trang, đường phố sạch đẹp. Và ấn tượng hơn cả vẫn là cái cách làm việc cởi mở, thân thiện, chu đáo của lãnh đạo thị xã, của các ban, ngành và các phường, xã. Rất chuyên nghiệp, tận tâm và… không chê được một điểm nào.
Mặc dù các chuyến cứu trợ của Báo Thanh Niên phần lớn đều rơi vào Chủ nhật nhưng lãnh đạo thị xã và lãnh đạo các cơ quan liên quan luôn có mặt để đồng hành, phối hợp nhịp nhàng với nhà tài trợ, cùng động viên người dân. Như mới đây, khi Báo Thanh Niên cùng ca sĩ Quang Dũng về chia sẻ với người dân gặp khó khăn do bão số 9, gần như toàn bộ lãnh đạo thị xã đều có mặt để đón tiếp và phối hợp tổ chức trao quà cho người dân. Rất trọng thị và bài bản.
Do số người nhận quà ở rải rác ở các phường, xã nên lãnh đạo thị xã đã chọn trụ sở phường Tam Quan Nam làm nơi tổ chức để tiện cho bà con đi lại. Một số người dân ở xa, thì cơ quan chức năng của thị xã đã điều động ô tô chở họ về phường Tam Quan Nam để nhận quà, chứ không để dân tự đi. Thật chu đáo. Ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, đã trực tiếp gặp mặt, cảm ơn tấm lòng của ca sĩ Quang Dũng đối với người dân địa phương và mong muốn nam ca sĩ tiếp tục có nhiều chuyến đi nghĩa tình như vậy về Hoài Nhơn để giúp những người dân còn gặp khó khăn. Chuyện này thoạt nghe có vẻ bình thường nhưng không phải người đứng đầu nào cũng ứng xử một cách trân trọng như vậy.
Hoặc như lần về Hoài Nhơn để chia sẻ, hỗ trợ cho các gia đình ngư dân bị mất tích do bão số 9. Khoảng 9 giờ sáng, tòa soạn Báo Thanh Niên mới phê duyệt kế hoạch đi hỗ trợ cho thân nhân các ngư dân bị mất tích và yêu cầu trong buổi chiều, chúng tôi phải nộp bài ghi nhận để kịp đăng báo hôm sau. Chúng tôi liên hệ ngay với ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND thị xã. Do thời gian hơi gấp và việc di chuyển từ Quy Nhơn ra Hoài Nhơn cũng mất 2 tiếng đồng hồ, nên thoạt đầu chúng tôi đề nghị ông Đề mời giúp thân nhân các ngư dân về một điểm để trao quà cho thuận tiện, thì ông Đề nói ngay: Bây giờ gia đình các ngư dân đang tuyệt vọng và đau buồn, mong các anh đến từng nhà để chia sẻ, động viên sẽ tình cảm hơn.
Ý kiến quá đúng nên chúng tôi báo cáo lại tòa soạn để nắm tình hình và cho biết sẽ gửi bài chậm vài tiếng đồng hồ so với kế hoạch. Nghe vậy, các anh chị ở tòa soạn thống nhất ý kiến ngay. Và trong buổi chiều hôm đó, chúng tôi cùng ông Trương Đề đã đi đến từng nhà của 23 ngư dân bị mất tích để chia sẻ, động viên. Đúng là khi đến từng nhà, mới cảm nhận được cái không khí đau buồn, tuyệt vọng của thân nhân các ngư dân; và việc đến từng nhà đã giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống khó khăn, bấp bênh của cái nghề “hồn treo cột buồm”, hiểu hơn về chuyện sinh nghề tử nghiệp.
Tôi nghĩ, không ít lãnh đạo sẽ muốn thuận tiện, đỡ tốn thời gian bằng cái phương án mời tập trung thân nhân các ngư dân về một điểm, nhưng ông Đề lại chọn cái cách đi đến từng nhà. Một chi tiết nhỏ nhưng cho thấy sự tinh tế, nhân văn của người làm lãnh đạo, biết nghĩ đến dân.
Là đại diện của Báo Thanh Niên ở khu vực các tỉnh Trung Trung bộ - Bắc Tây Nguyên, tôi đã đi cứu trợ, làm việc ở nhiều nơi nhưng nói thật, chưa thấy ở đâu mà lãnh đạo địa phương lại tận tâm, chu đáo như ở Hoài Nhơn. Khi tôi kể câu chuyện này, một đồng nghiệp lớn tuổi của tôi và là một nhà báo khá nổi tiếng xác nhận ngay là đúng và nói rằng: 20 năm trước, thế hệ cha chú của những lãnh đạo bây giờ, họ vẫn y thế: Tận tâm và chuyên nghiệp.
Tôi nghĩ, đó không chỉ là tính cách của người Hoài Nhơn mà còn là một truyền thống quý báu của vùng đất anh hùng này.