Chống hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử: Chưa có giải pháp hiệu quả
Việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh đang được các DN, cơ sở đẩy mạnh. Tuy nhiên, công tác quản lý, phát hiện và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử gặp khá nhiều khó khăn.
Phát triển thương mại điện tử
Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: “Bước đầu, việc thực hiện thương mại điện tử (TMĐT) đạt được một số kết quả tích cực. Hiện nay, có 82% DN tham gia giao dịch TMĐT, khoảng 62% DN có website riêng và sử dụng phần mềm tác nghiệp phục vụ hoạt động TMĐT. Số lượng DN đặt hàng và nhận đơn hàng trực tuyến tăng lên hàng năm, đạt từ 20 - 39% trong tổng đơn hàng giao dịch. Chỉ số TMĐT của Bình Định được xếp ở mức khá. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2017 Bình Định xếp hạng 19/54, đến năm 2019 xếp thứ 16/54 các tỉnh thành tham gia khảo sát TMĐT trong cả nước”.
Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy số lượng lớn hàng may mặc được các trang bán hàng gửi cho khách hàng không có hóa đơn, chứng từ. Ảnh: Cục QLTT cung cấp
Tốc độ phát triển TMĐT tại Bình Định tăng từ 20 - 39% là rất lớn. Năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, kênh bán hàng online, giao dịch, mua bán qua sàn TMĐT càng nở rộ. Các siêu thị như Co.opmart Quy Nhơn bán hơn 40% đơn hàng qua kênh bán hàng online; các cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây an toàn, cửa hàng tiện ích bán hàng qua kênh TMĐT khoảng 50 - 70%.
Tuy nhiên, nếu như đối với các trang web TMĐT, cơ quan quản lý nhà nước có thể truy vết, yêu cầu phải khai báo và xử phạt nếu bị tố bán hàng giả, hàng lậu, thì các fanpage, kênh livestream trên Facebook lại khó khăn. Chị Bùi Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Anh Fruits (TP Quy Nhơn), cho biết: “Trên 90% đơn hàng bán lẻ của công ty qua Facebook. Tuy nhiên, các chủ thể bán hàng khác lấy thông tin, giao hàng, nhận tiền trước công ty. Có vụ, công ty mất gần 200 đơn bán lẻ. Khi kiểm tra hàng của khách nhận thì đó là hàng nhái không có hóa đơn, chứng từ, không rõ xuất xứ”.
Khó xử lý vi phạm
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (Ban Chỉ đạo 389), với việc mua bán hàng hóa thông qua mạng xã hội ngày càng tăng, công tác quản lý, phát hiện và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh mới phát hiện được một số vụ buôn bán hàng hóa qua mạng không có xuất xứ, hóa đơn chứng từ như: Phát hiện, tạm giữ trên 2.600 áo, có giá trị trên 30 triệu đồng ở shop Ngọc Giàu (TP Quy Nhơn); thu giữ 238 đồng hồ đeo tay tại cửa hàng đồng hồ ở TX Hoài Nhơn, tổng trị giá trên 56 triệu đồng; thu giữ 250 sản phẩm mỹ phẩm và 82 sản phẩm thực phẩm chức năng, trị giá gần 95 triệu đồng tại cơ sở kinh doanh Mẹ Bảo (TP Quy Nhơn)…
Ông Huỳnh Hữu Thái, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, cho biết: “Có nhiều khó khăn trong việc quản lý, phát hiện và chế tài xử lý các hành vi này, như: Những thông tin đăng bán sản phẩm trên mạng là hình ảnh và thông tin thật, nhưng khi khách nhận được hàng có thể là hàng giả, hàng nhái mà chính người mua không nhận ra hoặc không gửi đơn kiện đến cơ quan chức năng. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau, gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm”.
Đối với các vi phạm trong TMĐT khi xử lý phải có chứng cứ cụ thể, trong khi hầu hết các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ khiến công tác QLTT trong TMĐT càng khó khăn. Việc phát hiện hành vi vi phạm các quy định khi mua bán hàng trên mạng có phần dựa vào yếu tố… may mắn. Trước những bất cập kể trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, đề xuất, kiến nghị bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với pháp lý về hoạt động TMĐT.
HẢI YẾN