Lo dịch bệnh mùa Ðông - Xuân phức tạp
Trong những tháng mùa Ðông - Xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19.
Bệnh viện quá tải, nhiều ca bệnh nặng
Bé trai N.T.M (5 tháng tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) được nhập viện khoa Nhi, BVĐK tỉnh trong tình trạng lừ đừ, thở gấp, co lõm ngực, có biểu hiện tím tái. Chị Trần Thanh Mai - mẹ bé, cho biết, bé ho húng hắng, chảy nước mũi, thở khò khè, đi khám tư, uống thuốc nhưng không đỡ, bệnh trở nặng ho nhiều hơn, ít bú, thở nhanh, sốt cao và quấy khóc liên tục. Lúc này, gia đình vội đưa bé vào viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng. Sau 4 ngày điều trị tích cực tại khoa Nhi, bé vẫn đang được chỉ định cho thở oxy.
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng điều trị tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh.
Trong khi đó, sốt cao liên tục ba ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bé N.A.T (12 tuổi, ở huyện Tuy Phước) bị mệt kèm đau bụng nhiều nên được đưa vào BVĐK tỉnh. Khi vào viện, bé bị trụy tim mạch nặng, mạch và huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều. Sau gần 4 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định tình trạng huyết động học. Hiện bé đã được cai máy thở, tỉnh táo.
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, thời tiết chuyển mùa cũng là lúc trẻ em mắc bệnh càng nhiều, chủ yếu là bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, hen phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, viêm mũi họng cấp…); bệnh đường tiêu hóa (chủ yếu là tiêu chảy cấp thường gặp do vi rút Rota). “Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết tăng rất cao, gây quá tải cho khoa, có thời điểm hơn 220 bệnh nhi, trong khi chỉ có 100 giường bệnh. Nhiều bệnh nhân nặng bị trụy mạch, xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng...”, bác sĩ Dũng nói.
Các bệnh có thể bùng phát thành dịch trong mùa Đông - Xuân đều có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, nhất là ở người già có nhiều bệnh nền, phụ nữ có thai, béo phì, suy giảm miễn dịch… “Hiện cả khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm đang quá tải bệnh nhân. Bệnh viện đã triển khai các biện pháp chống quá tải, nhưng chưa giải quyết triệt để”, TS Võ Bảo Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho hay.
Không chủ quan!
Đến nay, Bình Định chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19; các bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, thủy đậu, cúm, quai bị... ổn định; chưa phát hiện ca bệnh thuộc tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi, rubella. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn cao, đặc biệt tại Hoài Nhơn (1.202 ca), Tây Sơn (944 ca), Phù Mỹ (696 ca), Quy Nhơn (617 ca)...; 347 ổ dịch đã được xử lý, khống chế.
Th.S Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, mùa Đông - Xuân dễ phát sinh và lan truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa, các chủng cúm gia cầm độc lực cao (cúm A/H5N1, cúm A/H7N9...), bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, tiêu chảy… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới thì nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam luôn thường trực. Do đó, cần chủ động giám sát, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để trường hợp mắc bệnh thường gặp mùa Đông - Xuân, nhất là Covid-19. Bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, tăng sức đề kháng, đặc biệt cho trẻ em và người lớn tuổi.
“Đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh, cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ngoài ra tiêm thêm các vắc xin như: Rota vi rút (phòng tiêu chảy ở trẻ em do vi rút Rota), viêm phổi, não mô cầu, thủy đậu, cúm mùa, sởi - quai bị - rubella...”, ông Bùi Ngọc Lân khuyến cáo.
MAI HOÀNG