Ký kết RCEP- FTA thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng
Sau 8 năm đàm phán khó khăn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sáng nay đã chính thức được ký kết trực tuyến giữa 15 nước thành viên ASEAN và đối tác.
Với quy mô 2,2 tỷ dân - chiếm gần 30% dân số thế giới, và gần 30% GDP toàn cầu, việc ký kết Hiệp định RCEP dự kiến tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên.
Hiệp định được Bộ trưởng các nước ASEAN và các nước đối tác ký kết dưới sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo mỗi nước. Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chính thức ký Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu tại lễ ký Hiệp định RCEP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khuôn khổ mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, từ đó ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Lễ ký RCEP ngày hôm nay là niềm tự hào, là thành quả to lớn của các nước ASEAN, với vai trò trung tâm của mình đã cùng các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài hướng tới tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác, ngài Tổng Thư ký ASEAN cùng quý vị đồng nghiệp về sự ủng hộ các nỗ lực trong nhiều năm qua”.
Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đi vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đem lại thịnh vượng chung cho người dân, cho doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực cũng nhấn mạnh, việc ký kết Hiệp định trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19, là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch và xây dựng khả năng tự cường, thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee nhấn mạnh: “Việc ký kết được RCEP trong năm nay sẽ trở thành động lực quan trọng cho khu vực và trên toàn thế giới trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. RCEP cũng sẽ trở thành nền tảng để các quốc gia hợp tác chung tay ứng phó và đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng như khôi phục kinh tế trong khu vực và trên thế giới”.
Các nước cũng khẳng định, Hiệp định RCEP là Hiệp định tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, lễ ký kết là dấu ấn quan trọng của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN: “Các nước liên quan đã mất rất nhiều năm để đàm phán, thương lượng về RCEP để thấy rằng, tầm quan trọng của hiệp định này có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid-19.
Vì vậy, việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam nói riêng, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và góp phần giúp đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết RCEP”.
Tuy nhiên để cơ hội và tiềm năng của Hiệp định RCEP được hiện thực hóa khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, các nước tham gia ký kết khẳng định sẽ đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn trong nước để Hiệp định sớm có hiệu lực. Hiện có ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định.
Theo Phạm Hà (VOV1)