Quy định rõ ràng để giảm nguy cơ tai nạn giao thông
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 16.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị làm rõ các quy định về giao thông đường bộ để góp phần hạn chế TNGT
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích rõ hơn một số thuật ngữ làm căn cứ để đưa ra các quy định rõ ràng, phù hợp với thực tế để góp phần giảm nguy cơ TNGT.
Cụ thể, “đường trong ngõ” (đường hẻm) là loại đường phổ biến nhất trong đô thị nhưng chưa được giải thích cụ thể. Va chạm của các phương tiện đi từ trong ngõ ra đường chính hay xảy ra, nên cần thiết phải có một điều quy định riêng về “đường trong ngõ”. Từ đó, có quy định trường hợp cần lắp đặt biển nhường đường, gương cầu lồi hay gờ giảm tốc tại các vị trí nối với đường chính để đảm bảo các phương tiện vào ra an toàn. Đường trong ngõ cũng cần có quy định về kỹ thuật, mỹ quan, môi trường; thiết kế, ứng dụng vật liệu thoát nước mặt nhanh để tránh ngập, giúp bổ sung nước ngầm, hạn chế hiện tượng sụp lún trong đô thị.
Thứ hai, giải thích về “đường cao tốc” trong dự thảo Luật còn thiếu 2 phần quan trọng của đường cao tốc là đường nối vào cao tốc và đường lánh nạn trên cao tốc.
“Hiện nay trên đường cao tốc, nhiều phương tiện chạy lên cả làn đường lánh nạn khi giao thông bị ùn tắc, gây mất ATGT. Tôi cũng đã từng dừng lại trên đường lánh nạn ở nước ngoài, họ thiết kế đường lánh nạn khá gồ ghề nên không thể chạy tốc độ cao, trong khi đường lánh nạn ở ta thì bằng phẳng nên các phương tiện vẫn có thể chạy bình thường trên đường này. Vì vậy, tôi đề nghị trong điều này cần bổ sung nội dung “đường lánh nạn được thiết kế hạn chế tốc độ lưu thông””, ĐB Cảnh phân tích.
Kiểm soát công suất của xe đạp điện
Tai nạn do học sinh điều khiển xe đạp điện hiện là nỗi lo cho gia đình, nhà trường và xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là xe đạp điện được lắp đặt vượt công suất và vượt quy định về tốc độ an toàn. Vì vậy, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định một điều về việc kiểm soát công suất, tốc độ của xe đạp điện từ khi sản xuất đến khi lưu thông.
Bên cạnh đó, ĐB Cảnh cho rằng, vi phạm tốc độ là lỗi thường mắc phải đối với các lái xe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều TNGT. Ngoài ý thức của người tham gia giao thông thì có nhiều trường hợp biển báo tốc độ bị khuất tầm nhìn do cây cối hay do các phương tiện lớn đi bên cạnh che khuất. Dự thảo Luật quy định “Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông”. ĐB Cảnh đề nghị bổ sung nội dung “Vạch kẻ đường được dùng kết hợp với biển báo thay đổi tốc độ, trừ trường hợp có biển báo tốc độ trên giá long môn (khung treo biển báo hiệu phía trên mặt đường)”. Quy định như vậy đảm bảo người lái xe luôn quan sát được tốc độ cho phép để làm chủ tốc độ.
Ngoài ra, thời gian qua có nhiều tai nạn do phương tiện giao thông đâm thẳng vào dải phân cách hay các phương tiện đi từ các hướng khác nhau bị cây xanh ở dải phân cách che khuất dẫn đến va chạm, có trường hợp xảy ra tử vong. Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị khoản 7, Điều 26 (quy định về dải phân cách) bổ sung thêm nội dung: “Đầu mỗi dải phân cách luôn có thiết bị hoặc sơn phản quang, không trồng cây lớn, cây bụi cao quá 1m”.
MAI LÂM