Tách bạch thuật ngữ “ùn” và “tắc” trong quy định về giao thông
Đó là vấn đề được đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đặt ra khi thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 16.11 về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ.
Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, mỗi cá nhân, tổ chức liên quan đến xây dựng, tổ chức, tuyên truyền, tham gia giao thông cần xem giao thông là một phần quan trọng thể hiện văn hóa quốc gia, là một yếu tố góp phần vào mục tiêu xây dựng đất nước văn minh, hiện đại. Văn minh thường dựa trên tiêu chuẩn, quy tắc và được hiểu thống nhất.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh tham gia thảo luận chiều 16.11.
Vì vậy, ĐB Cảnh góp ý cần làm rõ các thuật ngữ trong trong giao thông. Dự thảo Luật có nội dung giải thích chung cho “ùn tắc giao thông”. “Ùn” và “tắc” khác nhau. “Ùn” là tình trạng các phương tiện lưu thông chậm do hệ thống giao thông bị quá tải; có thể xác định được tốc độ lưu thông trung bình của dòng xe. “Tắc” là tình trạng các phương tiện lưu thông rất chậm hoặc không thể lưu thông do tai nạn hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng không thể xác định được tốc độ lưu thông của dòng xe.
“Khi tách bạch được 2 thuật ngữ này, trung tâm điều hành giao thông sẽ có căn cứ đưa ra giải pháp phân luồng hợp lý, người tham gia giao thông sẽ có thông tin rõ ràng về tốc độ dòng xe, giúp họ chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp, chủ động được giờ đi làm, đi học, đưa đón con, cơm chiều, giờ hẹn... mà không phải chen lấn, giành đường, vượt ẩu”, ĐB Cảnh nói.
Về quy tắc chung của giao thông đường bộ, tại khoản 5, điều 10 có quy định: “Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường bảo đảm an toàn”.
ĐB Cảnh cho rằng, quy định này sẽ không hợp lý vì giao thông cần thông suốt, đường giao thông người dân sống nhiều 2 bên. Nếu cứ thấy người đi bộ muốn sang đường dù không có vạch kẻ đường mà xe cũng phải giảm tốc độ hoặc dừng lại là không phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông hiện nay.
“Chúng ta có 4 tín hiệu dành cho người đi bộ. Tôi đề nghị dự thảo Luật cần hướng dẫn cụ thể cách qua đường đối với người đi bộ theo vạch kẻ dành cho người đi bộ kết hợp với tín hiệu đối với từng trường hợp cụ thể như trên quốc lộ, đường đô thị, đường nông thôn và trong khu dân cư”, ĐB Cảnh đề xuất.
MAI LÂM