Bình Ðịnh đã làm rất tốt công tác phòng tránh thiên tai
Ông PHAN DIỄN
Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển trạm đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo mưa lũ ở cộng đồng và nghiệm thu bàn giao 110 trạm đo mưa tự động cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tại TP Quy Nhơn.
Bên cạnh việc chia sẻ với những khó khăn của tỉnh khi liên tiếp bị thiệt hại do “bão chồng bão”, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) đánh giá rất cao việc Bình Định chủ động ứng phó, phòng tránh thiên tai; đặc biệt là nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng cho dân, giảm thiểu thiệt hại về người.
● Từ năm 2016 đến nay, QPT hỗ trợ nhiều tỉnh thành trong nước trong việc nâng cao năng lực cộng đồng phòng chống thiên tai; trong đó có tỉnh Bình Định. Là người sáng lập QPT, ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về cách Bình Định “tiêu hóa” sự hỗ trợ?
- Từ năm 2009 đến nay, QPT đã vận động được gần 400 tỷ đồng, hỗ trợ nhiều địa phương trên cả nước xây dựng 105 nhà cộng đồng phòng chống thiên tai; 67 trường mầm non, tiểu học bị thiệt hại do bão lũ; trồng 109 ha rừng ngập mặn; xây dựng, hỗ trợ phương tiện cho 85 đội xung kích cứu hộ cứu nạn cấp xã, thôn; 7 công trình dẫn nước sinh hoạt; 71 bể bơi tại trường học; trao học bổng cho hàng nghìn học sinh nghèo vùng lũ trên khắp cả nước; hỗ trợ phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển sinh kế và xây dựng công trình phòng tránh thiên tai tại gia đình… Riêng từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã vận động hơn 15,9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 412 trạm đo mưa tự động tại nhiều địa phương, góp phần cung cấp thông tin kịp thời về lượng mưa cũng như cảnh báo mưa lớn vượt ngưỡng cho cộng đồng người dân, ngành chức năng, chính quyền địa phương nơi đặt trạm nhanh chóng có phương án ứng phó với mưa lũ.
Tại Bình Định, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng 7 trường tiểu học và mầm non; 2 bể bơi cho 2 trường tiểu học để giúp học sinh phòng chống đuối nước; 20 trạm đo mưa tự động, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đến cộng đồng dân cư vùng hạ du sông Côn, Hà Thanh. Nhìn chung tỉnh Bình Định phát huy tốt các công trình được QPT hỗ trợ, chúng tôi rất hài lòng.
Mô hình trạm đo mưa tự động mà QPT hỗ trợ xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Bình Định.
● Từ góc quan sát của mình, ông đánh giá như thế nào về công tác ứng phó thiên tai tại Bình Định?
- Từ tháng 10 đến nay, liên tiếp “bão chồng bão” đã gây nhiều thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung; trong đó có tỉnh Bình Định. Chúng tôi xin chia sẻ với bà con nhân dân tại các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra, mong bà con sớm ổn định cuộc sống. Chúng tôi đánh giá rất cao thái độ chủ động của lãnh đạo tỉnh Bình Định, việc các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên sâu sát ở cơ sở tạo tác động rất mạnh, khiến cấp huyện đến cấp xã không dám lơ là, tập trung triển khai các giải pháp chủ động ứng phó thiên tai. Đặc biệt việc Bình Định quan tâm đến bảo vệ an toàn tính mạng cho dân, xem đây là mục tiêu quan trọng trên hết rất đáng biểu dương.
Phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong phòng chống thiên tai của Nhà nước là rất đúng và Bình Định đã thực hiện linh hoạt, nhuần nhuyễn phương châm này.
● Với mục tiêu kết nối sức mạnh cộng đồng, giảm nhẹ thiên tai, QPT sẽ triển khai những hoạt động gì trong thời gian tới, thưa ông?
- Những gì chúng tôi hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có Bình Định cũng chỉ là phần nhỏ, còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của bà con nhân dân mong muốn và cần được giúp đỡ. Vì vậy, rất mong có nhiều nhà hảo tâm đồng hành với QPT để chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ cho Bình Định, cũng như các địa phương khác được nhiều việc hơn để giúp bà con nhân dân, nhất là các cháu học sinh nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Cùng với việc tiếp tục triển khai các chương trình QPT đang làm nhằm mục tiêu hướng tới kết nối sức mạnh cộng đồng xây dựng một xã hội an toàn hơn trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, thời gian tới, ngoài các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai cho cộng đồng, QPT sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng trường học, bể bơi học đường, thực hiện chương trình “Vì tương lai xanh” để giúp học sinh ở các vùng lũ lụt hoặc các vùng bị thiên tai nặng có điều kiện tiếp tục học tập và không có em nào bị bỏ học; nhân rộng mô hình hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho phụ nữ nghèo vùng thiên tai có sinh kế ổn định.
Một chương trình khác mà QPT rất tâm đắc, đó là xây dựng và nhân rộng mô hình các đội xung kích cứu hộ cứu nạn ở các xã, thôn, việc làm này đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, bởi các đội xung kích cứu hộ cứu nạn phần lớn là lực lượng ĐVTN, dân quân tự vệ ở địa phương làm nòng cốt - họ là những thanh niên trẻ, khỏe người địa phương được tổ chức tốt, nếu mình trang bị kiến thức, kỹ năng, phương tiện đầy đủ thì khi có thiên tai xảy ra, họ giúp đỡ rất nhiều cho người dân địa phương.
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)