Ngăn ngừa cháy, nổ do sự cố điện
Gần đây, tình trạng cháy nổ nhà dân trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tục, gây nhiều thiệt hại về tài sản và nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Nguyên nhân chính vẫn là sự bất cẩn của người dân trong sử dụng điện, nguồn nhiệt.
Hiện trường vụ cháy tại nhà bà N.T.H.P. đường Trần Phú, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, ngày 10.11. Nguyên nhân do sự cố về điện. Ảnh: T. LỢI
Thiết bị điện không an toàn
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, trên địa bàn TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước đã xảy ra 4 vụ cháy nhà dân. Đơn cử, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 10.11, nồi cơm điện tại tầng 2 nhà của gia đình bà N.T.H.P. (đường Trần Phú, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) bị chập dẫn tới hỏa hoạn. Vụ cháy khiến nhiều hàng hóa như mỹ phẩm, quần áo trong cửa hàng của gia đình bà P. bị hư hại. Tiếp đó, 1 căn nhà tại đường Võ Lai (TP Quy Nhơn) cũng xảy ra cháy. Nguồn lửa xuất phát tại phòng bếp của ngôi nhà, bên trong chứa nhiều củi gỗ nên lan nhanh lên gác lửng và thiêu cháy nhiều vật dụng của căn nhà...
Theo đại tá Nguyễn Văn Long,Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh): “Nguyên nhân chính của các vụ cháy nhà dân gần đây vẫn là sự bất cẩn trong sử dụng điện, nguồn nhiệt, như: Sử dụng nguồn điện quá tải so với đường dây điện; đấu nối không đúng dẫn đến chập điện. Việc sử dụng dây điện kém chất lượng hoặc tiết diện nhỏ hơn nhu cầu cũng khiến nguy cơ rò rỉ, chập điện xảy ra. Bên cạnh đó, hiện hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng những thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn như: Bình nóng lạnh, điều hòa..., nhưng việc bảo dưỡng thiết bị, đường dây, lắp hệ thống cầu dao tự ngắt không được thực hiện tốt dẫn đến chập, cháy”.
Mặt khác, ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn lưới điện vẫn chưa cao; nhiều người rất chủ quan, bất cẩn trong sử dụng các thiết bị điện. Tại nhiều gia đình, hệ thống đường dây điện đã cũ, xuống cấp, mạch điện không đảm bảo, lắp đặt dây điện chồng chéo cũng như để nguồn nhiệt hớ hênh… Vụ cháy xảy ra vào ngày 15.10 vừa qua tại thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước, khiến 2 cháu bé tử vong cũng xuất phát từ sự chủ quan của người lớn khi để con trẻ dùng bật lửa đốt đồ chơi gây cháy nhà.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 67 vụ cháy, làm 3 người chết,1 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 100 tỷ đồng và 5,02 ha rừng. Trong đó, nhà dân và nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra 16 vụ, chiếm 25,4%; cháy do sự cố điện và sơ suất trong sử dụng lửa chiếm trên 52%. So cùng kỳ, số vụ cháy giảm 60 vụ, song thiệt hại về tài sản tăng trên 60 tỷ đồng.
Phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ ở khu dân cư
Theo đánh giá của ngành chức năng, chính quyền các cấp, mô hình về PCCC tại khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, DN đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân chưa chủ động mua sắm các phương tiện PCCC và hỗ trợ thoát nạn khi có sự cố cháy như bình cứu hỏa, thang dây hoặc chưa thường xuyên quan tâm thay thế, bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị, hệ thống điện trong gia đình; dẫn tới nguy cơ chập điện xảy ra các vụ cháy, hoặc khi xảy ra cháy không kịp trở tay. Bên cạnh đó, đa số các hộ dân chỉ chú trọng việc phòng chống trộm đột nhập nhà, hoặc gắn các biển hiệu quảng cáo khổ lớn bịt kín các lối, cửa thoát hiểm nên khi xảy ra cháy rất khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn.
Do vậy, nhằm hạn chế cháy, nổ do sự cố điện, nhất là trong khu dân cư, đại tá Long cho biết: Bên cạnh việc đảm bảo lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thường trực sẵn sàng 24/24, duy trì công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện theo quy định, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, cũng như tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra cho người dân. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn các hộ dân chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ).
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của ngành chức năng, mỗi người dân cũng có thể phòng ngừa cháy bằng cách tuân thủ các quy định, hướng dẫn về sử dụng điện; chủ động kiểm tra tổng thể hệ thống điện trong gia đình, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chú ý các giải pháp nâng cấp, thay thế, xử lý khắc phục những nơi có nguy cơ xảy ra cháy, nổ như hệ thống đường dây dẫn, bảng điện… Ngoài ra, mỗi người hãy là một tuyên truyền viên tích cực cho người thân, họ hàng, làng xóm, đồng nghiệp trong việc nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ; sử dụng đúng hoặc hạn chế các loại thiết bị tiêu thụ điện, để vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho gia đình và cộng đồng.
KIỀU ANH