Cần quy định rõ cơ chế hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ngày 17.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có 34 điều và 5 chương; tập trung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bồi dưỡng, hỗ trợ bảo đảm điều kiện hoạt động quan hệ công tác; tuyển chọn, bố trí sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
ĐB Đặng Hoài Tân cho rằng cần quy định rõ về cơ chế phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng ở cơ sở để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ.
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Đặng Hoài Tân (Đoàn Bình Định) bày tỏ đồng tình với việc xây dựng một lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để phối hợp với CA chính quy giữ gìn ANTT, cuộc sống bình yên của nhân dân; và cần phải có một đạo luật để điều chỉnh hoạt động của lực lượng này.
“Tuy nhiên, để hoàn thành dự án luật và luật đi vào cuộc sống khi có hiệu lực, tôi đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo cần đánh giá sâu sắc tác động về nguồn lực con người, điều kiện ngân sách để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động. Đồng thời, quy định rõ về cơ chế phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng trên địa bàn để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ”, ĐB Tân nói.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Bùi Thị Thủy (Đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị ban soạn thảo quy định rõ phạm vi, mức độ, phương thức, cách thức thực hiện tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ, cũng như nguyên tắc, cách thức điều động lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đảm bảo thống nhất trong việc chỉ đạo, phân công thực hiện nhiệm vụ. Tránh trường hợp lực lượng này làm thay nhiệm vụ của lực lượng CA xã chính quy, cũng như có thể dẫn đến việc xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho lực lượng này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
MAI LÂM