Phát triển kinh tế từ nghề trồng nấm
Mấy năm gần đây, nhờ nhu cầu thị trường ổn định, có nguồn cung cấp phôi giống chất lượng tốt ngay trong tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất, hộ dân đã chọn nghề trồng nấm để phát triển kinh tế.
Chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề bài bản
Theo ông Cao Hoàng Trình, chuyên viên Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN), mỗi tuần, Trung tâm sản xuất, cung ứng khoảng 6.000 bịch phôi giống nấm các loại cho người dân và các cơ sở trồng nấm trong tỉnh, nhiều nhất là phôi nấm bào ngư xám. Cùng với việc nghiên cứu sản xuất nhiều loại phôi nấm mới như: Nấm hầu thủ, nấm hoàng đế, nấm đùi gà, nấm trà tân..., Trung tâm còn chuyển giao kỹ thuật sản xuất phôi giống nấm bào ngư xám cho một số hộ ở các huyện Phù Cát, Hoài Ân, An Lão.
Ông Huỳnh Hữu Thọ (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) thu hoạch nấm hoàng đế.
Tháng 8.2020, Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn phối hợp với Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN tổ chức lớp tập huấn quy trình kỹ thuật trồng nấm hoàng đế cho một số hộ ở phường Trần Quang Diệu. Đến đầu tháng 10.2020, một học viên của lớp là ông Huỳnh Hữu Thọ (tổ 11, KV 2, phường Trần Quang Diệu) nhận triển khai mô hình làm mẫu, với việc được hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp và 500 bịch phôi giống nấm hoàng đế. Ông Thọ cho biết: “Sau 20 ngày trồng và chăm sóc, tôi đã thu hoạch 20 kg nấm đầu tiên”.
Từ nhiều năm trước, huyện Tuy Phước đã mở được nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề trồng nấm bài bản. Nhờ vậy hiện nay, Tuy Phước là địa phương có nghề trồng nấm phát triển khá mạnh, đặc biệt là nấm rơm. Các hộ trồng nấm tập trung nhiều tại các xã: Phước Hưng, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Sơn... Ông Trương Văn Quang, ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, cho biết: “Tôi chọn meo giống rơm N-Tuy Hòa có nguồn gốc rõ ràng, từ lúc bắt đầu ủ đến lúc thu hoạch chỉ mất 15 ngày. Với 200 bịch phôi nấm, mỗi lứa nấm như vậy tôi thu hoạch hơn 170 kg nấm thương phẩm. Giá nấm rơm ổn định mấy năm nay là 70.000 đồng/kg; riêng mùng 1 âm lịch và ngày rằm cao hơn - 100 nghìn đồng/kg. Từ ngày theo nghề nấm, gia đình tôi có thu nhập khá”.
Đa dạng cách đầu tư
Nhu cầu nấm tăng nhanh và ổn định, nghề trồng nấm có nhiều cơ hội để phát triển. Tháng 8.2020, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Tuy Phước triển khai dự án Đầu tư trồng nấm rơm ở 2 xã Phước Nghĩa và Phước Hưng. Tại xã Phước Nghĩa, 10 hộ ở 2 thôn Hưng Nghĩa và Thọ Nghĩa được vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 200 triệu đồng; tại xã Phước Hưng, 10 hộ ở 3 thôn An Cửu, Quảng Nghiệp, Biểu Chánh được vay 400 triệu đồng.
Ông Phan Thanh Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, riêng Trung tâm đã tổ chức 14 lớp học trồng nấm và nhân giống nấm cho khoảng 485 học viên.
Ông Đặng Văn Thái, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Phước, cho hay: “Phước Nghĩa và Phước Hưng là 2 xã có nguồn rơm rạ dồi dào, thuận lợi để sản xuất nấm rơm. Tuy Phước lại đang phát triển rất mạnh về rau sạch, rau an toàn, đây là điều kiện để bà con nông dân phát triển nghề trồng nấm, đặc biệt là nấm rơm, bởi nấm được xem là một loại rau sạch, giàu dinh dưỡng. Nghề trồng nấm vừa tạo việc làm, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Tương tự Tuy Phước, gần đây nhiều hộ ở huyện Tây Sơn chọn trồng và phát triển nấm bào ngư xám. Nguồn phôi giống chủ yếu do cơ sở Truyện Nấm ở thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân cung cấp.
Tận dụng đất trống sau nhà, tháng 5.2020, anh Huỳnh Đỗ Tiến ở thôn Lai Nghi, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn xây dựng trại nấm bào ngư xám với 3.000 bịch phôi. Sau 2 tháng trồng và chăm sóc, anh Tiến đã thu hoạch lứa đầu tiên, các lứa sau cách nhau khoảng 15 ngày. Đến nay, 3.000 bịch phôi đã cho thu hoạch được 8 lứa, mỗi lứa bình quân gần 100 kg nấm, bán với giá 40.000 đồng/kg. Từ thành công ban đầu, anh Tiến đã mở rộng trại nấm lên 7.000 bịch phôi. Anh chia sẻ: “Trồng nấm bào ngư xám không khó, kỹ thuật đơn giản, ít tốn công chăm sóc nhưng đòi hỏi sự cần mẫn và tỉ mỉ. Xin chia sẻ với bà con quan tâm đến nấm bào ngư xám là năng suất, chất lượng nấm phụ thuộc rất lớn vào meo và phôi, vì vậy nên chọn nhà cung cấp có uy tín”.
Chị Lê Thị Mến (phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn) thu hoạch nấm sò trắng.
Chị Lê Thị Mến, ở phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn gắn bó với nghề trồng nấm được 4 năm, có trại nấm rộng 700 m2, kể: “Tôi mê việc trồng nấm từ thời sinh viên. Nhờ kết hợp kiến thức học được tại Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và tham gia khóa học trồng nấm tại Trung tâm Đào tạo nông nghiệp quốc tế Ramat Negev (Israel), đến năm 2016, tôi quyết định trở về quê trồng nấm, phát triển kinh tế. Hiện nay tôi đang có 25.000 bịch phôi nấm bào ngư xám và 15.000 bịch phôi nấm sò trắng!”. Không chỉ cung cấp nấm thương phẩm, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và giảm chi phí sản xuất, gia đình chị Mến đầu tư lò hấp phôi, tự sản xuất phôi giống nấm bào ngư xám và sò trắng. “Khách hàng của tôi chủ yếu là thương lái trong tỉnh, rất phấn khởi là gần đây còn có cả Phú Yên và Đà Nẵng”, chị Mến chia sẻ.
ĐÌNH PHƯƠNG - THÀNH HUỲNH