Làm gì khi gặp bão, áp thấp nhiệt đới trên biển?
Bão và áp thấp nhiệt đới là hiện tượng thời tiết hay xuất hiện trên biển. TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cung cấp một số kiến thức cơ bản về điều khiển tàu cá khi đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, giúp ngư dân hạn chế thiệt hại.
● Xin ông nêu khái quát đặc điểm các loại hình thời tiết cực đoan này?
- Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) là một vùng gió xoáy với đường kính có thể lên tới hàng trăm cây số, hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ; áp suất khí quyển (khí áp) trong vùng gió xoáy thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo giông, tố, lốc, vòi rồng.
Đa số các cơn bão, ATNĐ hoạt động ở Biển Đông có hướng di chuyển từ phía Đông về phía Tây, phía Tây Nam đến Tây Bắc. Trong một cơn bão (ở Bắc bán cầu), nếu nhìn theo hướng di chuyển của tâm bão (mắt bão) thì nửa bên phải đường di chuyển được gọi là nửa vòng nguy hiểm, còn nửa bên trái đường di chuyển được gọi là nửa vòng ít nguy hiểm. Nếu tàu cá nằm gần hai bên đường di chuyển của cơn bão, chắc chắn tâm bão sẽ đi qua vị trí tàu.
Nếu nằm ở vị trí nửa bên phải, tàu thuyền rất dễ bị cuốn vào vùng tâm bão. Nếu nửa bên trái, tàu cá có thể lợi dụng sức gió để thoát ra khỏi vùng gió mạnh nguy hiểm.
● Như vậy, việc xác định vị trí tàu cá so với tâm bão, ATNĐ là rất quan trọng?
- Đúng vậy! Thuyền trưởng tàu cá đang hoạt động trên biển phải giữ thông tin liên lạc thường xuyên với đất liền để báo vị trí của tàu. Người ở trên bờ sẽ dựa vào bản tin dự báo bão, ATNĐ, đối chiếu tọa độ của tàu và hướng di chuyển của tâm bão, ATNĐ để báo cho thuyền trưởng; hướng dẫn cách điều khiển tàu trốn bão, ATNĐ sao cho chính xác nhất.
Những người đi biển giàu kinh nghiệm, có thể xác định vị trí tàu so với tâm bão bằng cách quan sát hướng gió và tốc độ gió, họ sẽ biết mình đang ở gần nửa vòng nguy hiểm hay ở nửa vòng ít nguy hiểm. Trong trường hợp thuyền trưởng còn ít kinh nghiệm, cũng có thể xác định vị trí tàu trong vùng bão, ATNĐ bằng cách quan sát kết hợp với thông tin cảnh báo phát trên sóng radio.
Ngư dân kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trên tàu trước khi ra khơi.
Nếu thấy hướng gió đổi chiều từ trái sang phải theo hướng thuận chiều kim đồng hồ là tàu đang nằm ở nửa vòng nguy hiểm. Nếu hướng gió đổi chiều từ phải sang trái theo hướng ngược chiều kim đồng hồ là tàu đang nằm ở nửa vòng ít nguy hiểm hơn. Điều đặc biệt đừng bao giờ quên - nếu qua nhiều lần quan sát mà hướng gió không thay đổi, trong khi tốc độ gió ngày càng tăng, độ bao phủ của mây ngày càng dày đặc, đó là dấu hiệu tàu đang ở ngay trong vùng nguy hiểm nhất - nằm trên đường di chuyển của bão.
● Vậy ngư dân cần lưu ý những vấn đề gì để có thể thoát nhanh khỏi vùng nguy hiểm của bão, ATNĐ, thưa ông?
- Phòng tránh bão, ATNĐ từ xa là cách tốt nhất để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp tàu cá đang hoạt động trên biển mà gặp bão, ATNĐ, ngư dân cần lưu ý: Khi tàu nằm ở nửa vòng nguy hiểm, thuyền trưởng phải nhanh chóng mở máy hết tốc độ để đưa tàu rời xa tâm bão, điều khiển tàu chạy ngược gió sao cho gió thổi vào mũi tàu lệch mạn phải một góc khoảng 30 - 450, giữ cho tàu chạy theo hướng đó cho tới khi thấy khí áp tăng, tốc độ gió, độ bao phủ của mây, cường độ mưa đã giảm thì lúc đó tàu đã ở tương đối xa tâm bão. Nhưng vẫn cần tiếp tục cho tàu chạy ra khỏi vùng nguy hiểm.
Khi tàu nằm ở nửa vòng ít nguy hiểm, thuyền trưởng điều khiển tàu chạy xuôi gió sao cho gió thổi vào đuôi tàu lệch mạn phải một góc khoảng 30 - 450; tiếp tục cho tàu chạy theo hướng đó để thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Trường hợp tàu nằm phía trước trên đường bão đang đi tới, phải điều khiển tàu chạy theo hướng sao cho gió thổi vào đuôi tàu lệch mạn phải với tốc độ nhanh nhất để đưa tàu sang nửa bão bên trái, sau đó điều khiển tàu thoát khỏi vùng gió bão mạnh.
Nếu tàu nằm trong vùng gần tâm bão, với tàu cá có độ ổn định tốt có thể cho tàu chạy tiến hoặc chạy lùi kết hợp tay lái giữ cho hướng di chuyển hợp với hướng sóng một góc thích hợp để hạn chế hiện tượng cộng hưởng, tránh bị lật tàu; với tàu có độ ổn định kém thì không lái tàu đi theo rãnh sóng vì sẽ bị lắc ngang mạnh, dễ bị lật úp hoặc bị gãy bánh lái.
Trong mọi trường hợp, không được lái hoặc để tàu trôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn. Nếu không may máy tàu bị hỏng không thể sửa chữa, tại vị trí độ sâu có thể thả neo thì phải thả neo ngay, còn nếu không thể thả neo thì cố định lái ở vị trí số 0 và thả trôi tàu. Phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác đang ở khu vực và với đài trực canh ở bờ để được ứng cứu khẩn cấp.
Ngư dân cũng cần lưu ý khi điều khiển tàu chạy tránh trú bão, tất cả các vật nặng cồng kềnh trên boong phải đưa xuống hầm tàu, chằng buộc vật dụng còn lại trên boong, các nắp hầm chắc chắn, kiểm tra tình trạng neo tàu. Nên nhớ trong mọi tình huống, tất cả thuyền viên phải mặc áo phao cứu sinh; trong ca bin lái, ngoài thuyền trưởng, ít nhất phải có 1 - 2 người trực cùng; trong hầm máy, phải có ít nhất 2 người trực liên tục.
Nếu ngư dân cần thông tin sâu, tài liệu về các vấn đề liên quan có thể liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: 110 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn; điện thoại: 0913 440 647; trường hợp khẩn cấp bà con nên sử dụng bộ đàm theo tần số quy định để được hỗ trợ trực tiếp.
● Xin cảm ơn ông!
ÐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)