Phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp sức mạnh nhân dân
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18.11.1930 - 18.11.2020), bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - đã dành cho PV Báo Bình Ðịnh cuộc trao đổi về việc Mặt trận phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
● Thưa bà, 90 năm qua, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã thể hiện vai trò đoàn kết và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào?
- Ngày 18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, đây là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua 90 năm hình thành và phát triển với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nay là MTTQ Việt Nam luôn làm tròn sứ mệnh của mình, đóng góp vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng, của dân tộc.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ tặng bằng khen cho các tập thể về thành tích trong phối hợp tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân năm 2020.
Cùng với quá trình ra đời phát triển của MTTQ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định cũng được hình thành, ngày càng phát triển và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước, của tỉnh nhà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát huy vai trò là người đại diện, tập hợp, tổ chức các lực lượng nhân dân, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, khơi dậy và huy động tiềm năng, trí tuệ, tinh thần và lực lượng to lớn của xã hội, góp sức vào sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà; làm tốt vai trò “cầu nối” bền chặt giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Điều đó thể hiện qua việc Mặt trận tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, cùng chung sức, đồng lòng thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, các hoạt động an sinh xã hội, “Đền ơn đáp nghĩa”. Vai trò của MTTQ còn thể hiện trong giám sát, phản biện xã hội; lắng nghe và kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp ủy, chính quyền; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tạo sự đồng thuận của nhân dân trong tham gia xây dựng tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và trước diễn biến phức tạp của bão, lũ ở tỉnh ta vừa qua, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tham gia tích cực, góp phần cùng tỉnh và cả nước khống chế, kiểm soát dịch bệnh và kịp thời chia sẻ, trợ giúp đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai. Điều đó càng cho thấy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hết mực yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta và ý nghĩa hết sức quan trọng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò tiên phong của MTTQ Việt Nam tỉnh.
● Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam giờ đã trở thành Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các khu dân cư trên cả nước. Bà có thể đánh giá về kết quả tổ chức ngày hội đặc biệt này ở tỉnh ta trong những ngày qua?
- Trong những ngày này, ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đang đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau ôn lại truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam; tôn vinh, ghi nhận kết quả đạt được của cộng đồng dân cư, biểu dương tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái… cũng được tổ chức thu hút đông đảo bà con tham gia, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong khu dân cư. Chung vui với bà con, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đều về tham gia ngày hội, tạo mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Việc các đồng chí lãnh đạo địa phương trực tiếp tham dự ngày hội, lắng nghe, giải đáp các ý kiến của người dân đã và đang góp phần xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh.
Nhân dân thôn Tờ Lék, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư.
● Trong thời kỳ hội nhập, vấn đề phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng đặc biệt nhấn mạnh về nội dung này. Xin bà cho biết phương hướng hoạt động của MTTQ tỉnh trong thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc?
- Tự hào về truyền thống vẻ vang, MTTQ Việt Nam tỉnh cũng nhận thức sâu sắc về những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của tỉnh trong thời gian tới, từ đó đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam và chương trình phối hợp hành động của cấp mình; vận động các tầng lớp nhân dân thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng - an ninh. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, thực hiện dân chủ XHCN, tăng cường đồng thuận xã hội; triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. MTTQ Việt Nam các cấp tập trung làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính quyền và các tổ chức thành viên trong lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các giai tầng xã hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận; xây dựng người cán bộ Mặt trận chuyên nghiệp, tâm huyết, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
● Xin cảm ơn bà!
Lịch sử Mặt trận qua các thời kỳ
Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam) do Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo. Sau 9 thập kỷ, MTTQ đã trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau. Ðó là Hội Phản đế đồng minh (1930 - 1935), Hội Phản đế liên minh (1935 - 1936), Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Ðông Dương (1936 - 1938), Mặt trận Dân chủ Ðông Dương (1938 - 1940), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940 - 1941), Mặt trận Việt minh (5.1941)...
Mỗi tên gọi khác nhau của Mặt trận đã thể hiện sự huy động lực lượng vào nhiệm vụ cụ thể ở địa bàn cụ thể. Ví dụ như, sau Hiệp định Genève, miền Bắc làm nhiệm vụ xây dựng đất nước theo định hướng XHCN, MTTQ Việt Nam ra đời (năm 1955) đã góp phần làm sáng tỏ con đường của cách mạng Việt Nam. Ðến năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Năm 1968, Ðảng ta thấy rằng bên cạnh sự tập hợp quần chúng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ yếu ở vùng nông thôn; ở vùng thành thị, những người trí thức, công chức, các lực lượng yêu nước cần tập hợp lại, vì thế Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã ra đời.
Tên gọi khác nhau nhưng các hình thức tổ chức đó đều nằm trong một cái khung bắt nguồn từ quan điểm, chủ trương của Ðảng về thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Bản chất của các hình thức Mặt trận chỉ có một: Là liên minh chính trị - xã hội rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, tổ chức, cá nhân yêu nước ở trong và ngoài nước, phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia trực tuyến với chủ đề: “90 năm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nói: “Kinh nghiệm từ 90 năm hoạt động của Mặt trận Dân tộc Thống nhất cho thấy: Mặt trận càng rộng rãi, chặt chẽ, thống nhất bao nhiêu thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng mạnh mẽ, càng bền vững bấy nhiêu. Ðúng như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ””.
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)