“Thổi hồn” cho những tác phẩm khoa học
Những định lý, định nghĩa về khoa học trừu tượng là vậy, nhưng với sức sáng tạo thông qua nhiều mô hình, những cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Khám phá khoa học (Sở KH&CN), biến chúng thành những câu chuyện, những tác phẩm sống động, thu hút người xem. Nhiều bạn trẻ tìm đến Trung tâm để kết nối với kho tàng tri thức của nhân loại bắt đầu từ những mô hình sáng tạo như vậy.
Các bạn trẻ vui thích khám phá những mô hình, trò chơi đầy ý nghĩa tại Trung tâm Khám phá khoa học.
Trong dòng người đến tham quan Trung tâm Khám phá khoa học có nhiều khách quen là học sinh, sinh viên, Phan Lê Khánh, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tâm sự, cứ mỗi lần đến tôi lại tìm thấy những nét mới thú vị, vì thế nơi này từ lâu trở thành nơi vừa để thư giãn vừa thỏa mãn sở thích khám phá khoa học của tôi và một số bạn bè.
Hiện, Trung tâm có 6 phòng hoạt động, trưng bày gần 80 mô hình. Các phòng được thiết kế theo chủ đề riêng như: Khám phá không gian, triển lãm đa năng, các quy luật tự nhiên... Mỗi mô hình được thiết kế dựa trên một nguyên lý, định lý hay định luật nào đó và được “cụ thể hóa” thành sản phẩm hay một trò chơi trí tuệ lý thú, nhờ đó thu hút được người xem, nhất là các em nhỏ.
Tại phòng tổng hợp, có đông người đến xem vì trưng bày nhiều mô hình mới, độc và lạ. Vừa bước vào phòng, người xem đã nghe được tiếng nhạc trầm bổng réo rắt rộn ràng. Âm thanh được phát ra từ chiếc loa bên trong một lồng kính lớn có đựng các bông xốp nhiều màu. Chỉ cần xoay chiếc nút điều chỉnh phía trước là nhạc phát ra và âm thanh thay đổi theo từng tần số lựa chọn. Các bông xốp cũng theo sóng âm thanh “nhảy múa”, tạo nhiều kiểu dáng như hình đồ thị. Sát đó là một đoạn ống dài 100 m được quấn nhiều vòng theo hình chiếc loa gắn trên tường. Chỉ cần cầm và nói vào một đầu ống, đầu kia để vào tai, nếu tinh ý người xem có thể phát hiện có một khoảng dừng rất ngắn trước khi nghe được tiếng nói của mình.
Ở giữa phòng được xem là “thế giới” của nguyên tử vì ở đây có chuỗi các máy chiếu để người xem nhìn thấy được quá trình hình thành của thuyết nguyên tử, từ sơ khai cho đến hiện đại. Hay như mô hình tháp tên lửa nước, khách tham quan có thể chơi trò phóng tên lửa, qua đó nghiên cứu về định lý phản lực. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình thú vị khác như: Sa bàn năng lượng, phòng ảo giác, tán xạ, tia lửa điện... ứng với mỗi mô hình, trò chơi là các khái niệm khoa học đơn giản của các lĩnh vực vật lý, toán học, sinh học cũng như các ứng dụng thực tế của các kiến thức này.
Dừng trước mô hình sóng âm và sóng dừng, bạn Hồ Hoàn Hảo (khoa CNTT, Trường ĐH Quy Nhơn) chia sẻ: “Những kiến thức tôi học ở trường rất trừu tượng, nhưng qua hai mô hình này, tôi có thể vừa nhìn thấy, vừa nghe, cảm giác với âm thanh khiến tôi rất thích thú và yêu thích môn vật lý hơn”.
Ông Lê Quang Thủy, nhân viên Trung tâm cho biết, bên cạnh số ít mô hình được truyền cảm hứng từ mô hình mẫu của các viện nghiên cứu ở nước ngoài, phần lớn các mô hình đều do đội ngũ nhân viên Trung tâm lên ý tưởng, thiết kế và biến chúng thành những “tác phẩm biết nói”, sống động và đẹp mắt. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm khoa học thật gần gũi với cách trình bày vui, hấp dẫn để thu hút được sự tò mò của công chúng, nhất là trẻ em, để các em có được cảm nhận ban đầu rằng khoa học là vui, lý thú và gần gũi, từ đó hun đúc niềm đam mê khoa học, khơi dậy tinh thần học hỏi và định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em”. Ông Dương Tuấn Anh, nhân viên Trung tâm góp chuyện: “Chúng tôi thiết kế các sản phẩm trong nhiều lĩnh vực và trên hầu như mọi vật liệu có thể. Nhiều mô hình được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao bởi sự sáng tạo, tiện ích và đặc biệt là chi phí chỉ còn bằng 1/5 so với mô hình mẫu. Sau nhiều lần tham chiếu, đối chứng một số mô hình của Trung tâm, một số chuyên gia nước ngoài đề nghị chúng tôi hỗ trợ để họ làm theo”.
Việc các mô hình thu hút nhiều người đến tham quan đã tạo động lực để Trung tâm tiếp tục cho ra mắt nhiều mô hình mới. Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc Trung tâm: “Chúng tôi cũng đang chuẩn bị hồ sơ để xin cấp bằng sáng chế cho những sản phẩm khoa học do nhân viên Trung tâm nghĩ và chế tạo ra; đồng thời xin cấp bằng giải pháp hữu ích cho những mô hình khác. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia; mở rộng chương trình hợp tác với các trường đại học trong và ngoài tỉnh để trao đổi chuyên gia, trao đổi thực tập sinh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học.
HỒNG HÀ