Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020: Phối hợp đồng bộ, hiệu quả thiết thực
Sau nhiều nỗ lực, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.
CA tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở lưu trú tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Ảnh: KIỀU ANH
Không có điểm “nóng”
Hằng năm, Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, CA tỉnh và chính quyền một số xã, phường, thị trấn ở các địa bàn trọng điểm tổ chức kiểm tra, thâm nhập và giám sát thực tế hơn 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ xảy ra hoạt động mại dâm. Qua kiểm tra, phát hiện hơn 200 cơ sở vi phạm hành chính; chủ yếu các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ không vào sổ khách lưu trú qua đêm, không báo cáo với CA cấp phường, không khai báo trung thực số lượng phòng có khách lưu đêm… CA tỉnh và Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức triệt xóa 12 tụ điểm chứa mại dâm, bắt 47 đối tượng, trong đó có 1 chủ chứa, 18 gái bán dâm, 18 người mua dâm, đề nghị truy tố 11 bị can, xử phạt hành chính 32 đối tượng với số tiền 56,8 triệu đồng. Các cơ quan chức năng tổ chức phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính hơn 100 trường hợp với số tiền 120 triệu đồng; đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh hàng chục cơ sở khác… Tại các địa phương trong tỉnh, phát hiện 191 vụ, 544 đối tượng vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền thu được hơn 813 triệu đồng, trong đó phạt cảnh cáo 11 đối tượng chưa đủ tuổi.
Công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm được triển khai đồng bộ, nhờ đó đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn này.
Theo ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đơn vị được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phối hợp tuyên truyền, khảo sát đấu tranh, triệt phá tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm được triển khai đồng bộ, nhờ đó đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn này. Tình hình hoạt động của các tụ điểm chứa mại dâm, môi giới mại dâm và mua dâm trên địa bàn cơ bản giảm không còn diễn biến phức tạp, công khai lộ liễu. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm giảm dần. Đặc biệt tính đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn xã, phường, thị trấn trọng điểm tệ nạn mại dâm. “UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có kế hoạch triển khai nghiêm túc nên không để phát sinh điểm nóng về hoạt động mại dâm. Việc triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp đã góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh”, ông Hòa trao đổi.
Tăng cường công tác phòng ngừa
Cùng với công tác đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm, trong giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức và duy trì thường xuyên các hình thức tuyên truyền, lồng ghép với các chương trình phát triển KT-XH của địa phương như giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người và các chương trình khác có liên quan. Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Phó Giám đốc Phan Đình Hòa cho biết các xã, phường, thị trấn đều triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động giúp thay đổi hành vi và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS. Hằng năm, các địa phương còn triển khai thực hiện tốt Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15.11 đến 15.12), thu hút sự tham gia, phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai cùng hành động nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực; thúc đẩy thực hiện các chính sách, vận động xã hội về bình đẳng giới trong phòng, chống mại dâm trên cơ sở giới.
Dù vậy, quá trình thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn khi công tác đấu tranh triệt phá, truy tố chủ chứa tổ chức mại dâm, môi giới bán dâm và quản lý người bán dâm hiện nay gặp nhiều khó khăn. Mức xử phạt hành chính người bán dâm vi phạm từ 100 - 300 nghìn đồng không đủ sức răn đe. Công tác quản lý người bán dâm khi họ tái hòa nhập cộng đồng rất khó khăn do đa số người bán dâm sau khi bị xử phạt hành chính đều chuyển đi nơi khác hoạt động và có hộ khẩu ngoài tỉnh. Phương thức, thủ đoạn của người bán dâm ngày càng tinh vi, công tác hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng để họ chuyển đổi nghề rất khó thực hiện vì không tập trung được người bán dâm để tổ chức một lớp nghề và không có tổ chức, đơn vị nào đứng ra bảo lãnh bảo đảm cho người bán dâm vay vốn, và theo cách nghĩ của người bán dâm thì không có nghề nào có thu nhập cao như bán dâm, do đó việc vận động, thuyết phục họ chuyển đổi nghề là rất khó khăn.
“Công tác phòng, chống mại dâm thời gian tới tiếp tục cần phát huy kết quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, nhân đạo và toàn thể nhân dân để đạt kết quả tốt hơn nữa”, ông Hòa kêu gọi.
NGỌC TÚ