Nâng cao chất lượng hội thẩm nhân dân
Vai trò quan trọng
Theo luật định, hội thẩm nhân dân (HTND) có địa vị pháp lý và vai trò quan trọng trong công tác xét xử. Đó là nhân danh nhà nước, bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương. Cụ thể, khi xét xử, nếu ý kiến biểu quyết của các HTND giống nhau nhưng khác ý kiến của thẩm phán thì quyết định của Hội đồng xét xử phải theo ý kiến của đa số thành viên HTND. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, trong từng vụ việc, đòi hỏi các HTND không chỉ nắm rõ luật mà còn phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trước ngày mở phiên tòa, nắm bắt đầy đủ nội dung, chứng cứ của vụ án. Ông Nguyễn Đình Thọ, có hơn 20 năm làm HTND, chia sẻ: “Tôi thường tiếp cận hồ sơ vụ án trước để xem xét. Nếu phát hiện những vấn đề vướng mắc thì trao đổi, phản ánh với thẩm phán chủ tọa. Với vai trò của mình tại phiên tòa, tôi không chỉ ghi chép mà còn tập trung theo dõi diễn biến, các tình tiết về nội dung vụ án, phối hợp với thẩm phán tham gia xét hỏi đúng trọng tâm, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án tránh oan sai, lọt tội”.
Tại các phiên tòa, vai trò của HTND ngày càng được thể hiện rõ qua việc tích cực tham gia xét hỏi và tuyên truyền pháp luật.
Cùng với việc xét hỏi để làm sáng tỏ nội dung vụ án, HTND còn sử dụng kiến thức chuyên ngành, kết hợp với sự hiểu biết về xã hội và vốn sống thực tế để tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa và giải thích những vấn đề liên quan đến vụ án cho những người tham gia tố tụng cũng như nhân dân đến dự phiên tòa, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi người. Đơn cử như vụ xét xử bị cáo Lê Quang Đức (SN 1997, huyện Hoài Ân) cùng đồng bọn phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, HTND đã thể hiện khá rõ vai trò của mình trong việc làm rõ các tình tiết phân công giao hàng của các bị cáo cũng như phân tích hậu quả mà các bị cáo phải gánh lấy khi sa chân vào ma túy, và trách nhiệm của gia đình khi để con trẻ bị rủ rê sử dụng và mua bán ma túy mà không hề hay biết.
Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường đánh giá: “Việc xét xử các vụ án là hết sức phức tạp, đòi hỏi các thành viên Hội đồng xét xử phải tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thật sự có kinh nghiệm và am hiểu các vấn đề xã hội”.
Khắc phục hạn chế, nâng cao kỹ năng
Hiện, toàn tỉnh có 281 HTND, đa số các HTND có trình độ cử nhân luật và hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, thị xã và thành phố... Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2016) đến nay, TAND 2 cấp đã xét xử 9.578 vụ án các loại với 19.156 lượt HTND tham gia.
Cùng với việc xét hỏi để làm sáng tỏ nội dung vụ án, HTND còn sử dụng kiến thức chuyên ngành, kết hợp với sự hiểu biết về xã hội và vốn sống thực tế để tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa và giải thích những vấn đề liên quan đến vụ án cho những người tham gia tố tụng cũng như nhân dân đến dự phiên tòa, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi người.
Theo Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường, các HTND đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia xét xử có hiệu quả các vụ án. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, vai trò HTND vẫn có lúc chưa thể hiện hết, như một số HTND tuy có tham gia xét xử nhưng việc nghiên cứu hồ sơ vụ án còn hạn chế, trong quá trình xét xử còn nặng về giải thích pháp luật mà chưa tập trung đi sâu vào tình tiết vụ án. Bên cạnh đó, một số ít HTND chưa đầu tư thời gian đúng mức trong việc nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, hồ sơ, nhất là những vụ phức tạp, xét xử trong nhiều ngày và có nhiều bị cáo.
Do đó, tại hội nghị tổng kết công tác hội thẩm TAND 2 cấp mới đây, thẩm phán TAND tỉnh Lê Văn Thường cho rằng, để khắc phục hạn chế và nâng cao hơn nữa nghiệp vụ xét xử cho HTND 2 cấp, ngành Tòa án sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức nơi HTND công tác, làm việc, sinh sống và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTND thực hiện nhiệm vụ của mình.
TAND tỉnh cũng kiến nghị với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn, thường xuyên liên hệ với các đơn vị có HTND để tạo điều kiện cho họ tham gia xét xử. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho HTND, đảm bảo các phán quyết của Hội đồng xét xử phải đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chủ động phối hợp công tác quản lý, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động của HTND.
Ngoài ra, ngành cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức tập huấn chuyên môn cho HTND; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTND được tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, cung cấp đầy đủ các tài liệu... góp phần giúp các HTND hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, giảm oan sai và tuyên truyền pháp luật hiệu quả.
KIỀU ANH