KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC HẠ TẦNG GIAO THÔNG SAU BÃO LŨ:
Mau chóng đưa đời sống trở lại bình thường
Sau khi liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão lũ, hệ thống đường giao thông trong tỉnh bị hư hỏng nặng. Hiện ngành Giao thông và chính quyền các địa phương đã và đang khẩn trương khắc phục, nỗ lực đảm bảo thông tuyến.
Cầu Bằng Lăng nối xã Ân Tường Tây - Ân Hữu (huyện Hoài Ân) bị sập mố cầu đã được huyện gia cố tạm bằng đá lớn, đảm bảo giao thông thông suốt.
Đẩy nhanh tiến độ khắc phục
Huyện Hoài Ân là một trong những địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nhất. Theo ông Võ Văn Đức, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Hoài Ân, đến nay, đã khôi phục giao thông tạm thời trên các tuyến đường: Bù Nú đi thôn T4, T5 (xã Bok Tới); tuyến Xuân Sơn đi xã Đắk Mang; tuyến Suối Le - Tân Xuân; đất đá sạt lở đã được dọn gọn, các mố cầu bị sạt lở tạo hàm ếch được khắc phục tạm bằng cách được đổ đá, tạo kè bằng rọ sắt, điều chỉnh dòng chảy để tránh nước lũ xuống gây xói lở tiếp. Riêng cầu dân sinh tại xóm Kín, thôn Phú Hữu 2 (xã Ân Tường Tây) bị gãy, các cống nội đồng bị cuốn trôi thì chưa thể khắc phục ngay được.
Mố cầu Phú Văn 2 tại xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân) được gia cố tạm bằng đá bọc trong rọ sắt chắn chắn.
Bà Nguyễn Thị Thu Nhân, ở thôn Phú Văn 2, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân), bộc bạch: “Nhà tôi ở trước cầu Phú Văn 2 nên khi thấy mố cầu bị khoét hàm ếch mà nơm nớp lo sợ cầu sập, nếu tới đây trời mà mưa lớn thì lũ dữ sẽ khoét thẳng vào khu dân cư. May là lũ vừa rút, huyện đã gấp rút cho đổ đá chèn trong rọ sắt chắc chắn tại mố cầu để bà con đi lại thuận lợi, người dân sống ở khu vực này cũng yên tâm”.
Đang giám sát việc khắc phục sạt lở trên tuyến đường đi xã An Vinh, huyện An Lão ông Nguyễn Tiến Hảo, cán bộ Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Tuyến đường này có 3 điểm bị sạt lở nặng tại km 3+00, km 8+50, km 13+0 với hơn 4.000 m3 đất đá tràn ra đường gây chia cắt giao thông. Chúng tôi đã cơ bản dọn dẹp khối lượng đất đá tại km 8+50, km 13+0 và mở thêm 2 tuyến đường phụ để xe máy có thể qua lại, nhưng ô tô thì chưa. Riêng tại đoạn km 3+00 nước mạch vẫn đổ ra liên tục, việc dọn dẹp đất đá gặp nhiều khó khăn, chúng tôi làm mọi cách để thông tuyến tạm thời, đảm bảo cho dân lưu thông an toàn”.
Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh vẫn đang gấp rút dọn dẹp đất đá đảm bảo thông tuyến đường đi xã An Vinh (huyện An Lão) trong thời gian sớm nhất.
Xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ, song nhờ chủ động ứng phó mưa bão, nên không có thiệt hại về người. Ông Huỳnh Văn Khá, cán bộ Địa chính - xây dựng xã Vinh Kim, cho biết: “Cả huyện và xã cùng tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương khắc phục tạm thời hạ tầng giao thông. Hiện giao thông cơ bản đã thông tuyến, xe máy đi lại được, điện cũng đã có, nhưng chỉ có ở làng O2, Kông Trú có đủ nước sinh hoạt, còn các làng O3, O5, Đắk Tra, K6 tạm thời vẫn chưa có nước sạch để dùng do đường ống đứt gãy chưa thể khắc phục”.
Tuyến đường xã An Quang đi An Toàn (huyện An Lão) đã được san gạt đất đá đảm bảo thông tuyến.
Hiện các địa phương tiếp tục thống kê, lập kế hoạch đầu tư để trình UBND tỉnh hỗ trợ khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại. Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết: “Ngoài việc xử lý tạm thời các công trình giao thông trong khả năng của huyện, chúng tôi đang khẩn trương khắc phục các đập dâng tại xã Bok Tới, Đắk Mang và hệ thống kênh mương nội đồng tại các xã khác bị bồi lấp nặng để đảm bảo tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh để hỗ trợ khôi phục hệ thống giao thông bị hư hỏng”.
Dẫn chúng tôi khảo sát thực tế các điểm sạt lở ở xã Vĩnh Kim, ông Nguyễn Minh Dũng, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, thông tin thêm: “Cung đường từ thị trấn Vĩnh Thạnh lên xã Vĩnh Kim khoảng 40 km, nhưng có đến 45 điểm sạt lở lớn, nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào tâm đường rất nguy hiểm. Sau bão, cùng với việc gấp rút khắc phục tạm thời các tuyến giao thông bị hư hỏng, huyện tiếp tục khảo sát, tổng hợp đầy đủ hiện trạng của hệ thống giao thông để đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục hệ thống giao thông bị thiệt hại nặng”.
Tuyến đường từ trung tâm xã Vĩnh Kim tới làng Kông Trú đã được khắc phục tạm thời để người dân đi lại.
Tập trung lo cho dân từ những điều kiện cơ bản khi nhiều việc vẫn còn đang bộn bề là điểm sáng ấm áp chúng tôi ghi nhận được từ Hoài Ân, An Lão đến Vĩnh Thạnh. Nói về điều này, Chủ tịch UBND huyện An Lão Trương Tứ cho hay: “Phải tính đến mọi tình huống khó khăn mà dân cần mình! Ví dụ, do tuyến đường đi An Vinh mới chỉ khắc phục tạm để xe máy lưu thông, nên huyện chỉ đạo ngành Y tế sẵn sàng xe cấp cứu và UBND xã An Vinh chủ động lực lượng phục vụ để nếu có trường hợp cấp cứu từ xã An Vinh ra, thì phải có xe chực sẵn ở đầu đoạn đường tạm để tăng bo phục vụ chuyển viện. Phải đảm bảo không vì tắc đường mà ảnh hưởng xấu đến việc bảo vệ sức khỏe của dân. Huyện cũng đã có tờ trình UBND tỉnh xây dựng các khu tái định cư để bố trí chỗ ở mới cho 231 hộ dân/913 nhân khẩu sống ở vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất tại thôn Trà Cong, Vạn Long (xã An Hòa), thôn 5 (xã An Nghĩa), thôn 5 (xã An Vinh), thôn 2 (thị trấn An Lão), thôn Thuận Hòa (xã An Tân)”.
Ðể đảm bảo khôi phục hoàn toàn hạ tầng giao thông trong tỉnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Hòa cho biết: Ðến thời điểm hiện tại, tình hình giao thông trên tất cả các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, các tuyến đường liên xã, thôn đã thông suốt. Tuy nhiên, đối với các hư hỏng lớn, có ảnh hưởng đến kết cấu của công trình cần phải có thời gian khảo sát lên phương án thiết kế, thi công và đặc biệt là phải có kinh phí để thực hiện, chúng tôi đã có báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) hỗ trợ kinh phí để khắc phục triệt để các hư hỏng hạ tầng giao thông trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, QL 19 B, QL 19C bị hư hỏng do bão lũ, nhằm đảm bảo ATGT, tăng khả năng khai thác của công trình; trong đó, đề nghị UBND tỉnh bố trí 6,8 tỷ đồng để khắc phục các tuyến tỉnh lộ, cầu Suối Mây, cầu Kà Te, tuyến đường từ xã Canh Thuận đi Canh Liên (huyện Vân Canh) để đảm bảo giao thông bước đầu.
NGỌC NHUẬN - THU DỊU