“Nhà khoa học của nông dân”
Cách đây ít lâu, khi về Hoài Ân, có dịp cùng cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đi thăm các vườn cây ăn trái. Hôm đó không có nội dung liên quan đến “bưởi da xanh”, nhưng nghe bà con thắc mắc, anh Thái Thành Việt - cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, tranh thủ “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Nghe tôi hỏi thăm, chị Trần Thị Thanh Hường ở xã Ân Mỹ nói: “Cây tốt, trái to, da xanh mướt, nhưng tép thì khô, lại không ngọt. Bề trước tôi cũng gặp tình trạng như vầy, nhờ anh Việt chỉ cho mà rồi khắc phục được. Hồi giờ mình cứ theo kinh nghiệm kiểu “trước bày nay làm”, thời bây giờ mà không có KHKT là không ổn. Mà hỗ trợ như anh Việt thì bà con ai cũng ưng cái bụng”.
Anh Thái Thành Việt, cán bộ khuyến nông huyện Hoài Ân (bìa phải) hướng dẫn cách chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho bưởi da xanh ở xã Ân Mỹ.
Tương tự, anh Trần Đình Lâm, cán bộ khuyến nông xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) tâm tình: Tôi thấy cây giống tốt, mô hình nào hay là nghĩ ngay đến bà con ở đâu thì hợp, chỗ nào thì triển khai được ngay. Chuyện phổ biến mô hình thí điểm sản xuất dưa lưới an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân là một ví dụ. Bà con có thể chưa thể làm được ngay nhưng ít nhất bà con cũng thêm tin vào KHKT, công nghệ mới, chuyển biến vậy là mừng rồi!
Ngày càng có nhiều người dân chọn tin tưởng, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những “nhà nhà khoa học của nông dân”. Nói như ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang (Tây Sơn), thành công của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp ngọt của HTX được sự hỗ trợ rất lớn về yếu tố kỹ thuật canh tác từ cán bộ ngành nông nghiệp, cụ thể là cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Cho nên, thành viên HTXNN Thượng Giang ngày càng tin vào cán bộ khuyến nông, tin tưởng và chuẩn hóa quy trình canh tác là vì vậy.
QUANG BẢO