Hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XIII sau khi lấy ý kiến nhân dân
Quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIII đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sau khi được công bố ngày 20/10 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước. Dù đợt lấy ý kiến kết thúc vào ngày 10.11 nhưng các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp gửi về. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ý nghĩa; thể hiện tinh thần dân chủ nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy trách nhiệm các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.
Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XIII tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Có thể thấy, đây là lần xin ý kiến nhân dân rộng rãi nhất vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trên tinh thần dân chủ, tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đảng viên, nhân dân.
Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định, thông qua việc lấy ý kiến nhân dân sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện, thể hiện được “ý Đảng, lòng dân”.
“Đây là lần lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi nhất của nhân dân. Quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực”, ông Phùng Hữu Phú nói.
Qua gần 1 tháng góp ý, đa số các ý kiến nhân dân thống nhất đánh giá các Dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu, tổng kết thực tiễn sâu sắc. Trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn qua 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh Xây dựng đất nước, các dự thảo báo cáo đã thể hiện nhiều điểm mới, nhiều nhận định sâu sắc, phản ánh tư duy, tầm nhìn mới, nhìn xa, trông rộng.
Báo cáo chính trị đề cập những vấn đề cơ bản, then chốt nhất liên quan đến vận mệnh và tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc, qua đó khẳng định vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng của Đại hội Đảng lần này.
Nhiều ý kiến nhân dân bày tỏ đồng thuận khi dự thảo Văn kiện bổ sung thành tố "dân hưởng thụ" trong nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo các Văn kiện, trong khi đa số người dân đồng tình, góp ý thẳng thắn, cầu thị thì vẫn có những tiếng nói lạc lõng cố tình lợi dụng lấy ý kiến Văn kiện Đại hội Đảng nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, chống phá chế độ, làm giảm sút lòng tin của dân với Đảng.
Lợi dụng việc này, một số người có quan điểm sai trái cho rằng: “Nội dung báo cáo một số mảng còn dàn trải, trình bày mang tính liệt kê, ôm đồm, tạo nên sự cồng kềnh thiếu sắc nét, điểm nhấn”.
Dưới dạng “Thư góp ý”, rồi là “Thư ngỏ”; dưới cái vỏ bọc “tâm huyết”, “trách nhiệm”, một số phần tử cơ hội chính trị lợi dụng sự dân chủ góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội đã làm nhiễu loạn các nguồn thông tin về thể chế chính trị, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về công tác nhân sự và nhiều vấn đề liên quan đến Đại hội.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ: “Đối với những người không hiểu tình hình mà góp ý kiến thì ta thực hiện chính sách Bác Hồ dạy, “đánh chuột nhưng không vỡ bình ngọc”. Còn loại cố tình chống phá chúng ta phải phê phán thẳng. Những điều gì vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước thì xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, thì phê phán một cách gay gắt”.
Phát huy dân chủ, huy động sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân là bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
Những ý kiến tâm huyết của nhân dân đã được đóng góp, nhưng ở đây cũng cần phải đặt ra trách nhiệm đối với việc tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo Văn kiện của Đảng.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra nhiệm vụ tiếp thu ý kiến đóng góp cần có quan điểm, lập trường, lý lẽ. Với phương châm là bình tĩnh, lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa. Nhân dân kỳ vọng, những ý kiến đóng góp được tiếp thu một cách nghiêm túc, cầu thị, chắt lọc.
Chánh văn phòng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế- Xã hội, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Tất Thắng khẳng định: “Việc tiếp thu bao giờ cũng là công việc nghiêm túc và chặt chẽ. Việc tiếp thu các ý kiến phải báo cáo các cấp lãnh đạo quá trình thảo luận có nhiều ý kiến thế này, thế kia. Để có thể phân chia ra, đa số ý kiến như thế nào? một số ý kiến như thế nào? Bởi, xây dựng Văn kiện Đại hội thì phải có căn cứ. Bên cạnh cơ sở khoa học thì một trong những căn cứ quan trọng là phải có sự đồng thuận. Cuối cùng phải báo cáo ra Đại hội. Đại hội sẽ là nơi quyết định cuối cùng”.
Việc góp ý cho các Văn kiện phải thực sự tâm huyết, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước; việc tiếp thu phải đúng thực tiễn, thuyết phục, đúng nguyên tắc, đúng bản lĩnh, hết trách nhiệm và phải chắt lọc, bảo vệ cho được ý kiến đúng, phản bác mạnh mẽ những quan điểm sai trái, thể hiện rõ quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sự hòa quyện và đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân cùng khát vọng vươn lên của toàn dân tộc là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ đề ra.
Theo Phương Thoa-Lại Hoa/VOV1