Hiệu quả từ hiện đại hóa nền hành chính công ở Hoài Ân
Với quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét trong hiện đại hóa nền hành chính công, huyện Hoài Ân đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, triển khai các dịch vụ công trực tuyến và mang lại hiệu quả tích cực.
Đầu tư hiện đại
Đường truyền internet là một trong những điều kiện quan trọng để triển khai các hoạt động hiện đại hóa nền hành chính công. Thời gian qua, huyện Hoài Ân đã tập trung đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp xã, với trọng tâm là hệ thống đường truyền internet. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã có đường truyền internet; trong đó 13 xã, thị trấn dùng đường truyền của VNPT, 2 xã vùng cao (Bok Tới và Đắk Mang) dùng đường truyền Viettel.
Người dân tra cứu TTHC tại bộ phận Một cửa huyện Hoài Ân.
Cùng với đó, 100% lãnh đạo cấp xã (chủ tịch và các phó chủ tịch UBND cấp xã) được cấp chữ ký số. Lãnh đạo và văn thư của các đơn vị đã thực hiện ký số, đóng dấu trên máy thay cho cách làm thủ công như trước. 350 tài khoản văn phòng điện tử được cấp để 100% cán bộ, công chức cấp xã xử lý công việc trên không gian mạng.
“Hiện nay, ở cấp xã đã có 273 máy tính. Bộ phận Một cửa huyện có 13 máy tính cùng hệ thống camera, máy tra cứu thủ tục hành chính (TTHC), màn hình hiển thị kết quả xử lý TTHC, máy scan phục vụ nộp hồ sơ trực tuyến... Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, công chức về sử dụng hệ thống phần mềm một cửa, chứng thực điện tử và chữ ký số”, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Phạm Minh Hùng cho hay.
Hiện nay, huyện Hoài Ân thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đối với 345 TTHC, ở cấp xã là 145 TTHC. Trong đó, số TTHC có quy trình nội bộ, quy trình điện tử cấp huyện là 303, cấp xã là 133.
Tiện lợi cho người dân, DN
Sáng 10.11, anh Bùi Thanh Mân (ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông) đến bộ phận Một cửa của UBND xã thực hiện chứng thực CMND và sổ hộ khẩu theo dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. CMND và sổ hộ khẩu của anh Mân được công chức Tư pháp - Hộ tịch scan, sau đó chuyển cho Chủ tịch UBND xã ký bằng chữ ký số, văn thư của UBND xã cũng đóng dấu trên mạng.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND xã Ân Tường Đông thực hiện chứng thực điện tử cho anh Bùi Thanh Mân (bên phải).
“Tôi làm công nhân gỗ ở TP Hồ Chí Minh, đang tính chuyển sang chạy Grap nên phải chuẩn bị giấy tờ. Chưa đầy nửa tiếng đã chứng thực xong, bản chứng thực điện tử dùng để làm hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp qua mạng, không cần phải xuống Quy Nhơn nữa”, anh Mân vui vẻ chia sẻ.
“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của cơ quan hành chính, phục vụ công tác tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Các dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, DN mà còn mang lại nhiều tiện ích cho cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân NGUYỄN XUÂN PHONG
Theo thông tin từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Hoài Ân là địa phương đi đầu trong triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Đây là cơ sở quan trọng để các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả bản sao điện tử để thực hiện giao dịch thành công các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với TTHC cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (thủ tục cấp huyện) và cấp phiếu lý lịch tư pháp (thủ tục cấp tỉnh).
Cụ thể, theo số liệu thống kê số lượng bản sao chứng thực điện tử từ bản chính được cung cấp bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia tính đến ngày 26.10.2020, toàn tỉnh có 3.396 bản sao đã thực hiện thì huyện Hoài Ân đã có đến 2.902 bản sao (chiếm hơn 85%).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Phong, khắc phục một số hạn chế trong giải quyết TTHC, sử dụng tốt hệ thống một cửa điện tử là những nhiệm vụ quan trọng được UBND huyện rất quan tâm. Nhờ đó, kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng tốt hơn, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hẹn và đúng hẹn trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 97,8%, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc.
NGUYỄN VĂN TRANG