Xử lý nghiêm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng
Mọi người đều rõ tác hại của thuốc lá - “kẻ giết người thầm lặng”. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện có khoảng 33 triệu người bị hút thuốc lá thụ động; thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây ra 40.000 ca tử vong mỗi năm trong nước. Thiết nghĩ, nếu việc thay đổi hành vi của đa số người nghiện thuốc lá cần nhiều thời gian, thì cần tác động mạnh để hạn chế hành vi hút thuốc lá nơi công cộng; cùng đó là hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng. Phấn khởi trước sự “mạnh tay” của Nghị định 117, người dân cũng đề xuất một số giải pháp để triển khai thực hiện nghị định này hiệu quả hơn, như: Trên biển “cấm hút thuốc lá” treo ở nơi công cộng, có thêm số điện thoại của lực lượng chức năng để người dân kịp thời phản ánh; bố trí camera và “phạt nguội” người hút thuốc lá nơi công cộng…
Theo Nghị định 117/2020/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15.11.2020, mức phạt tiền với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm từ 200 - 500 nghìn đồng tăng gần gấp đôi so mức phạt cũ. Ðáng chú ý, Nghị định cũng bổ sung nhiều quy định mới cụ thể, chặt chẽ hơn, tăng mức phạt đối với hành vi gây hại đến sức khỏe cộng đồng. Phần lớn những nội dung bổ sung, tăng nặng tập trung hạn chế việc vi phạm về công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1.5.2013, trong đó nghiêm cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Sau hơn 7 năm Luật ra đời, tình trạng vi phạm vẫn rất phổ biến. Một trong những nguyên nhân là công tác kiểm tra, xử phạt chưa được đảm bảo. Thông tin từ báo Công an TP Hồ Chí Minh trong bài viết nhân Ngày thế giới không thuốc lá (31.5) năm 2019, dẫn số liệu của Bộ TT&TT cho biết, từ khi có Luật, mới chỉ xử phạt 40 trường hợp vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng trên cả nước!
Vậy nên, dù mức phạt tăng đến đâu mà việc kiểm tra, xử phạt vẫn bị buông lỏng thì hiệu quả thực thi luật pháp khó mà đạt như mong muốn.
SAO LY