Kháng chiến Nam Bộ làm thất bại kế hoạch của Pháp
Cuộc chiến của quân dân Nam bộ 75 năm trước được đánh giá là làm thất bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của người Pháp khi xâm lược Việt Nam lần hai.
Quan điểm này được thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói tại hội thảo khoa học Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử tổ chức sáng 21.11.
Nhắc lại bối cảnh lịch sử năm 1945, ông Cương nói rằng, 15 tháng kháng chiến là khoảng thời gian không dài, nhưng cuộc chiến đấu ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã tạo tiền đề cho việc xác định đường lối kháng chiến sau này, đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh lịch sử mới.
Quân dân Nam bộ những ngày đầu chống Pháp xâm lược, tháng 9.1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xử ủy, UBND và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã phát động quân và dân Nam bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực Pháp khi quay lại xâm lược nước ta lần nữa.
Theo đó, với sự thỏa hiệp của quân Anh, đêm 22 rạng sáng 23.9.1945, quân Pháp nổ súng tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn. Ngay lập tức quân và dân Sài Gòn đã đứng dậy chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa giành được.
"Dù không thể đánh bại được kế hoạch mở rộng đánh chiếm của thực dân Pháp do tương quan lực lượng quá chênh lệch, song cuộc chiến đấu của quân và dân Nam bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch", ông Cương nói.
Nói về ý nghĩa cuộc hội thảo khoa học lần này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang cho rằng, 75 năm đã trôi qua nhưng chiến công của quân và dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã ghi vào lịch sử dân tộc.
Thời điểm đó, theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi, tạo nên sức mạnh của toàn dân. Bằng hành động và quyết tâm của mình, đồng bào, chiến sĩ toàn Nam Bộ hừng hực khí thế Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...
Nhân dân Sài Gòn thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy... Vòng vây quân sự và vòng vây kinh tế làm cho quân Pháp bất ngờ và bị động đối phó ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Âm mưu đánh chiếm Nam bộ trong thời gian 3 tuần của thực dân Pháp bị phá sản hoàn toàn. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã gây chấn động cả nước.
Theo Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), giữa lúc tiếng súng còn nổ ran nhiều nơi trong thành phố, sáng sớm 23.9, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân, Ủy ban kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại ngôi nhà trên đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi, quận 5).
Cuộc họp có các ông Trần Văn Giàu, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch và Huỳnh Văn Tiểng. Đại diện Ban thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh có ông Hoàng Quốc Việt. Hầu hết lãnh đạo Nam bộ đứng về phe phát động ngay cuộc kháng chiến toàn dân, đồng thời điện báo xin chỉ thị từ Trung ương. Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu soạn trong đêm được thông qua sau đó.
Ngay trong buổi sáng, văn bản Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được in ấn, phát cho người dân, dán lên tường, cây khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Bình, Gia Định. Một lượng lớn bản in cấp tốc chuyển đến khắp các tỉnh qua những chuyến xe đò.
Ngoài việc người dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đình công, các chướng ngại vật cũng mọc lên khắp nơi. Đội Tự vệ chiến đấu, Thanh niên xung phong, Công đoàn xung phong đã đánh trả các mũi tấn công của quân Pháp tại Dinh đốc lý, trên các tuyến đường Verdun (nay là Cách Mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là Lê Duẩn).
Buổi chiều cùng ngày, hàng trăm công nhân Sài Gòn, Chợ Lớn hối hả in hàng chục nghìn bản Tuyên cáo quốc dân của Ủy ban nhân dân Nam Bộ, phát hành ngay trong đêm. Báo Cứu quốc số 54 ra ngày 29.9.1945 có thuật lại nội dung tuyên cáo này.
Tại Hà Nội, sau khi nhận được điện của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tại Bắc Bộ Phủ. Hội nghị nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Nam bộ, quyết định thành lập các đơn vị nam tiến và cử cán bộ tăng cường cho Nam bộ.
Ngày 26.9.1945, qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước.
Ngày 23.9.1945 đã đi vào lịch sử là ngày Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai kéo dài 9 năm thắng lợi.
Theo Trung Sơn (VnExpress)