Nhà thơ Trần Võ Thành Văn: Một vùng ký ức lên xanh…
Trần Võ Thành Văn là bút danh, tên thật anh là Trần Võ Thành (SN 1986, quê ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Anh làm thơ trong chừng mười năm trở lại đây. Duyên sáng tác đến với anh thật tình cờ. Ban đầu, chỉ là “tán” thơ với bạn trên facebook, vậy rồi dần dà niềm say mê sáng tác như lớn dần trong anh. Từ năm 2014 anh vào TP Hồ Chí Minh học và làm việc đến nay.
Năm 2015, anh được Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) bảo trợ xuất bản tập sách đầu tay Quen và lạ. Đó như một sự đánh dấu bước khởi đầu đấy ấn tượng với con đường sáng tác. Năm 2016, anh là một trong số những gương mặt trẻ của TP Hồ Chí Minh được chọn tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần IX. Niềm vui văn chương cứ thế lặng lẽ đắp bồi. Và duyên nợ với văn chương như thêm được nối dài khi năm 2019 anh được nhận về làm việc tại NXB Hội Nhà văn, chi nhánh phía Nam.
Nhà thơ Trần Võ Thành Văn.
Cũng như khá nhiều tác giả khác, Trần Võ Thành Văn luôn dành cho quê nhà một góc riêng sống động, giàu liên tưởng: “mặt trời lên/ lệch vùng phố lạ/ hỏi thăm mình chao chác nắng quê hương/ con gà gáy đánh ran màn trời tối/ Cha vá áo sương/ Mẹ ngồi nhóm bếp/ con Mèo đen mắt ròng hai cục lửa/ ngực bình minh thiêm thiếp chân trời” (Bình minh như một giấc mơ). Quê nhà xa nhớ dường như giúp Thành Văn chiêm nghiệm, lắng sâu hơn.
Mới rồi, sau thời gian ấp ủ, anh in tập thơ thứ 2 - Ngụ ngôn mùa đông (NXB Hội Nhà văn & Mibooks, 2020). Vẫn nét cá tính, ngôn ngữ thơ với những gợi tưởng sống động, thú vị nhưng ở Ngụ ngôn mùa đông, Văn mở góc nhìn rộng hơn về cuộc sống. Văn tâm sự, anh lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã lâu, còn gia đình anh 4 - 5 năm nay đã rời Phù Cát lên định cư ở Đắk Lắk, nhưng quê hương - cội nguồn sinh thành, quê cha đất tổ vẫn hằn dấu.
Văn kể, anh nhớ núi Bà những ngày lùa bò lên thả núi cùng đám bạn. Những sớm chiều trên cánh đồng làng còn vương vít mùi mặn mòi của khơi xa nắng gió. Quê nhà cứ lặng lẽ dệt ủ trong thơ anh bao ký ức, anh viết: “Mẹ về bên kia sông hát ru cánh chim trời vụ gặt/ tôi về bên kia sông đầm đẫm ngọn xuân thì/ dõi chuyến thuyền nặng trĩu trăm năm/ giong khơi trầm mặc// lẩy giọt kinh vuốt mặt sắc màu/ im lìm cứu rỗi ánh lửa đầu đông đã từng sũng ướt/ tôi pha lê mười ngón tay qua ô cửa lạnh/ tém lại một mắt buồn đăm đắm, đêm nay...” (Như đã từng). Hay: “từ phía liềm trăng/ Mẹ gặt nốt bầu mưa sương thấp/ tháng Bảy bọng đòng/ lửa đêm bọng hạt/ và tuổi thơ con quá vãng được mùa” (Đồng khuya).
Trần Võ Thành Văn đang dần khẳng định mình với những dấu ấn riêng không lẫn với ai trên những vùng liên tưởng khác biệt. Tôi luôn tin anh dành một góc riêng với quê nhà, như mạch nguồn lặng lẽ đắp bồi, lên xanh những miền ký ức neo chặt lòng người: “làm sao để gặp gỡ tháng ngày/ nảy giữa lòng tôi quê quán/ ủ giữa lòng tôi là mắc cây già/ núi đồi bè bạn tự nhiên xanh” (Như mùa xanh xa xăm).
VÂN PHI