Cần xem xét giải quyết hợp tình, hợp lý
Gửi đơn đến Báo Bình Định, ông Võ Tấn Luyện, thương binh hạng 2/4, ở thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) trình bày: Mảnh đất gia đình ông đang ở và canh tác có diện tích gần 1.354 m2. Đây vốn là đất khai hoang, gia đình bà Võ Thị Định (cùng địa phương) xây dựng nhà ở, sau đó chuyển đi nơi khác và cho lại ông Luyện. Cuối năm 1984, gia đình ông Luyện làm đơn xin canh tác và sử dụng đất, UBND xã Cát Tiến không giải quyết nhưng vẫn để cho ông sử dụng mảnh đất này để canh tác.
Bởi không có chỗ ở nên năm 2006, ông Võ Tấn Luyện xây dựng một lán trại nhỏ, có diện tích 24 m2 để vừa có chỗ tá túc cho gia đình, vừa chăm sóc vườn. Đến năm 2009, gia đình ông Luyện tiếp tục xây dựng thêm 70 m2 để ở. Tuy nhiên, UBND xã đã lập biên bản, đình chỉ xây dựng. Ông Luyện chấp hành, không tiếp tục xây dựng, đồng thời làm đơn gửi UBND huyện Phù Cát xem xét hoàn cảnh gia đình, tạo điều kiện để ông được xây nhà.
Ngày 23.10.2009, Thanh tra huyện Phù Cát đã có phiếu hướng dẫn và ông Luyện đã làm đơn gửi cho UBND xã Cát Tiến để được giải quyết theo đúng quy định. “Do nhiều lần gửi đơn đến UBND xã Cát Tiến nhưng không thấy trả lời, phần vì gia đình khó khăn, con đông không có chỗ ở, nên tôi tiếp tục xây nhà và ở ổn định đến nay đã 11 năm, không ai tranh chấp và chính quyền địa phương cũng không có động thái gì. Tuy nhiên, ngày 9.9.2020, gia đình tôi nhận quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; đến ngày 21.9.2020, tiếp tục nhận quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, do UBND xã Cát Tiến ban hành nhằm tháo dỡ toàn bộ công trình nhà ở của tôi. Gia đình tôi vô cùng lo lắng, nếu bị đập bỏ nhà cửa thì gia đình tôi không biết ở đâu, vì đang trong mùa mưa bão, gia đình lại không có điều kiện”, ông Luyện bày tỏ.
Trao đổi về trường hợp này, ông Trần Đình Trực, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, nói: “Ông Võ Tấn Luyện là thương binh, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Khi giải ngũ, về lại địa phương, ông Luyện và gia đình có công cải tạo, bồi trúc lại thửa đất nói trên. Tuy nhiên, việc lấn chiếm đất của ông Luyện thì UBND xã cũng nhận khuyết điểm vì không giải quyết dứt điểm vụ việc từ đầu, nên mới kéo dài đến nay và dẫn đến nhiều hệ luỵ”.
Ông Trực cho biết, diện tích 1.353,4 m2, thuộc thửa đất số 429, tờ bản đồ số 07, loại đất chưa sử dụng, do xã quản lý, nhưng cho ông Võ Tấn Luyện sử dụng, canh tác trồng hoa màu. Năm 2006, ông Luyện tập kết vật liệu xây dựng chuẩn bị xây nhà trên thửa đất này, UBND xã đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính. Đến năm 2009, ông Luyện tiếp tục xây dựng nhà và UBND xã đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 300 nghìn đồng, yêu cầu trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Ông Luyện không chấp hành, tiếp tục xây dựng và ở đến nay. Bên cạnh đó, giấy tờ chứng minh việc bà Võ Thị Định đồng ý cho ông Luyện sử dụng đất cũng không còn.
“Thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương tại cuộc họp xử lý trường hợp xây dựng công trình trái phép của ông Võ Tấn Luyện, xã mới ban hành 2 quyết định trên là đúng trình tự pháp luật. Đảng ủy xã Cát Tiến cũng chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các hội, đoàn thể nhiều lần tuyên truyền, vận động hộ ông Võ Tấn Luyện tự nguyện chấp hành. Việc cưỡng chế là tháo dỡ công trình xây dựng với tổng diện tích 371,9 m2, phần 958,4 m2 ông Luyện đang trồng cây thì giữ nguyên hiện trạng, khi Nhà nước thu hồi thì mới thực hiện”, ông Trực thông tin thêm.
Qua vụ việc này cho thấy nhiều kinh nghiệm cần rút ra trong công tác quản lý đất đai tại địa phương. Mặt khác, chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm, xem xét điều kiện, hoàn cảnh gia đình chính sách để giải quyết vụ việc được hợp tình, hợp lý và đúng quy định của pháp luật.
CHƯƠNG HIẾU