Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào
Các doanh nghiệp đề xuất hai ngân hàng nhà nước và hai chính phủ xem xét tạo điều kiện và cơ chế khuyến khích sử dụng đồng kíp và Việt Nam đồng để thanh toán các giao dịch thương mại giữa 2 quốc gia.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)
Ngày 22.11, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Lào 2020.
Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào phối hợp với Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Trao đổi với các đại biểu, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết hội nghị được tổ chức nhằm tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Lào để trình Thủ tướng chính phủ hai nước xem xét giải quyết nhằm có những giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2020 với đại dịch Covid-19, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh với môi trường chính trị, xã hội ổn định và mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước, Lào hiện là quốc gia có vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Cùng với quá trình hội nhập và các hiệp định thương mại mà Lào là thành viên như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Lào sẽ thực hiện nhiều cải cách về cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng tình với những chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, 14 tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Lào dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào.
Các doanh nghiệp cho rằng để hợp tác kinh tế tương xứng với mối quan hệ Việt Nam-Lào, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất, có các chính sách hỗ trợ đặc thù về vốn, nguồn lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, các doanh nghiệp Việt kiều đã làm ăn sinh sống tại Lào.
Chính phủ hai nước cũng cần có những hỗ trợ về thể chế, chính sách liên quan đến quyền sở hữu đất đai, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất hai ngân hàng nhà nước và hai chính phủ xem xét tạo điều kiện và cơ chế khuyến khích sử dụng đồng kíp và Việt Nam đồng để thanh toán các giao dịch thương mại giữa hai quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, giảm áp lực cho tình hình thiếu hụt nguồn ngoại tệ, cũng như cơ chế tỷ giá như hiện nay...
Những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Lào cũng cần được tháo gỡ để hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, góp phần giúp kinh tế Lào phát triển, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) cho thấy Việt Nam hiện xếp thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Lào với hơn 400 dự án và số vốn khoảng 4,2 tỷ USD.
Theo Phạm Kiên-Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)