Khổ sở vì hầm biogas và chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm
Nhiều hộ dân tại thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) phản ánh, thời gian qua, tình trạng một số người dân ở đây xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi ngay bên đường liên thôn, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Mặc dù, người dân đã kiến nghị lên các cấp, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Một hầm chứa chất thải và phân gia súc được xây dựng sát tuyến đường liên thôn Hòa Thuận và Tiên Thuận.
Tuyến đường liên thôn nối hai thôn Hòa Thuận và Tiên Thuận, xã Tây Thuận dài chưa đến 10 km, nhưng trên đoạn đường này theo quan sát của phóng viên Báo Bình Định vào ngày 19.11, nhiều người dân ngang nhiên xây dựng nhiều công trình biogas chứa chất thải của người và gia súc, gia cầm sát đường đi. Nhiều hầm chứa chất thải xây dựng không đúng theo quy định, mà xây cao hơn mặt đường từ 1 - 1,5 m, chỉ được che chắn tạm bợ bằng dù bạt hoặc mái tôn, sử dụng gậy tre, gạch đá cố định. Vì những công trình này xây dựng sơ sài và đã lâu, kết cấu xi măng không còn ổn định, nên theo thời gian, chất thải bị rò rỉ và thấm qua tường. Ngoài ra, do hệ thống kênh mương thoát nước chạy dọc theo tuyến đường bị đất, đá lấp và sa bồi, nên lượng chất thải này không có chỗ thoát, bị dồn ứ và chảy lênh láng ra đường.
Đáng ngại hơn, một số hộ dân sống tại xóm 1, thôn Hòa Thuận, xây dựng nhà dọc theo triền núi, cao hơn mặt đường từ 5 - 7 m, những hộ này không xây dựng hầm chứa theo đúng quy định mà lắp đặt đường ống thoát chất thải, đổ trực tiếp chảy thẳng ra đường. Theo ông T.V.A ở xóm 1, cho biết, vào mùa mưa, nước không thoát được nên bị dồn ứ cục bộ và chảy ngược vào nhà dân, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng các hộ dân sinh sống xung quanh. Người dân cũng đã phản ánh lên chính quyền địa phương về tình trạng này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận nhìn nhận, tình trạng người dân xây dựng hầm chứa biogas sát đường đi và các hộ dân thải chất thải ra đường là có. Nguyên nhân vì trước đây địa phương làm quy hoạch khu dân cư nhưng lại không hạ nền đất xuống thấp, khi người dân xin đất và xây dựng nhà ở, họ lại không có đường thoát chất thải chăn nuôi, nên mới xây dựng hầm chứa phân và lắp đặt đường ống thoát chất thải hướng ra ngoài đường. Tuy vậy, xã cũng đã nhiều lần yêu cầu các hộ dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh và tìm cách gia cố, xây dựng lại những hầm chứa phân bị xuống cấp, nhưng đến nay những hộ gia đình vẫn chưa thực hiện.
“Thời gian tới, họp HĐND, UBND xã sẽ xin chủ trương và cân đối nguồn ngân sách địa phương để xây dựng thêm nhiều đoạn mương nước mới; đồng thời huy động thêm lực lượng thanh niên xung kích, nhân dân địa phương tiến hành nạo vét một số đoạn mương bị bồi lấp nhằm kết hợp vừa thoát nước mưa và chất thải chăn nuôi hiệu quả hơn, tránh làm nước thải bị dồn ứ, chảy thẳng vào nhà người dân. Xã cũng sẽ vận động, nhắc nhở các hộ dân có hướng giảm đàn chăn nuôi, vì nếu nuôi số lượng quá lớn, nguồn chất thải nhiều, không kịp xử lý, hệ thống mương thoát nước thải cũng không chảy kịp và càng gây ô nhiễm môi trường hơn. Bên cạnh đó, xã cũng chỉ đạo cho các trưởng thôn, trong các cuộc họp thường xuyên nhắc nhở người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến những hộ gia đình khác”, ông Chín cho biết thêm.
CHƯƠNG HIẾU