Tuổi nghỉ hưu thay đổi từ năm 2021
Từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
Nghị định mới của Chính phủ quy định, trong điều kiện lao động bình thường, nam đủ 60 tuổi 3 tháng được nghỉ hưu, với lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng, tính từ đầu năm 2021.
Mỗi năm sau đó tăng thêm ba tháng với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; tăng thêm bốn tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Theo quy định cũ, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55 tuổi.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021. Đồ họa: Việt Chung
Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Những người trong diện này gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Ngược lại, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn, nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động, song không quá 5 tuổi so với quy định.
Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho là "không thể chậm trễ", khi đề xuất Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Lý do tăng là tuổi hưu của người Việt thuộc mức thấp so với khu vực, trong khi tuổi thọ trung bình tăng, để ứng phó già hóa dân số và giữ cân bằng cho quỹ hưu trí. Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu không nâng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2037, cán cân thu chi sẽ cân bằng, bao gồm cả kết dư quỹ hưu trí và phải lấy ngân sách bù vào.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi), được Quốc hội thông qua sáng 20.11.2019, với 435 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 90%), 9 người không tán thành (1,86%) và 9 người không biểu quyết.
Theo Hoàng Phương (VnExpress)