Hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đồng bộ
(BĐ) - Sáng 24.11, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 - 2020. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì; điểm cầu tại Bình Định do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chủ trì.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật nước ta không ngừng hoàn thiện và ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn. Hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh; thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành; tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên.
Công tác thi hành pháp luật được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt những thành quả bước đầu. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả hơn. Vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức, hoạt động của nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được đề cao.
Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc xây dựng thể chế pháp luật có vai trò rất quan trọng, là bước đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, Thủ tướng chỉ ra một số bất cập, vướng mắc trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, như: Chi phí tuân thủ pháp luật còn cao; chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi của một số văn bản QPPL; còn tình trạng các dự án, dự thảo văn bản đã đưa vào chương trình nhưng xin lùi, rút điều chỉnh. Tình trạng ban hành văn bản QPPL có nội dung không khả thi, chưa phù hợp thực tiễn, gây bức xúc dư luận còn tồn tại ở một số bộ, ngành, địa phương. Việc phối hợp công tác giữa một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương bám sát nội dung, yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn để chủ động rà soát, đề xuất các lĩnh vực pháp luật cần ưu tiên, tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện. Thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020. Khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật; nhất là ứng dụng những thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đổi mới phương pháp, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của quy trình xây dựng pháp luật. Nghiên cứu xây dựng, ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật để thực hiện thống nhất, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Khẩn trương xây dựng hệ tiêu chí cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, làm cơ sở cho bộ, ngành, địa phương đánh giá. Củng cố, kiện toàn tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.
VĂN LỰC