Ngăn chặn doanh nghiệp nhập khẩu rác thải nguy hại
Lợi dụng việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu rác phế liệu nguy hại vào Việt Nam.
Thực trạng đáng báo động
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 155 doanh nghiệp tại 34 tỉnh và thành phố thực hiện nhập khẩu phế liệu, trong đó có 116 doanh nghiệp sản xuất, tái chế trực tiếp, 28 doanh nghiệp nhập khẩu để phân phối và 11 doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác. Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh từ việc kiểm soát trong khâu nhập khẩu phế liệu còn thiếu chặt chẽ. Chính những quy định không rõ ràng đâu là “phế thải” và đâu là “chất thải” đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu phế liệu mà còn nhập một lượng lớn rác thải nguy hại vào nước ta, gây tác động không nhỏ tới kinh tế, đặc biệt là vấn đề môi trường, sức khỏe của cộng đồng.
Đầu tháng 10-2013, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hải Phòng vừa phát hiện và bắt giữ 2 công-ten-nơ phế liệu chứa ô tô cũ ép bẹp, linh kiện điện tử, máy móc tàu thủy thuộc danh mục cấm nhập khẩu của Công ty cổ phần thương mại Nga Huy Hà. Trên giấy tờ khai báo, 2 công-ten-nơ này là phế liệu được tạm nhập, chờ tái xuất. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hải Phòng đã phát hiện 13 vụ vi phạm, bắt giữ hàng chục công-ten-nơ chứa rác thải nguy hại như ắc quy đã qua sử dụng, dầu thải, máy móc, nhựa phế liệu…
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Đỗ Văn Điệp, Đội trưởng phòng chống tội phạm về thương mại và xuất nhập khẩu, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hải Phòng cho biết: Các vụ việc nhập khẩu rác thải đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong công-ten-nơ là phế thải. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên trong các bộ chứng từ thanh toán lại từ chối nhận hàng với lý do: hàng không đúng hợp đồng, không đúng chủng loại hàng hóa, chủ hàng nước ngoài gửi nhầm địa chỉ...
So với thời gian cao điểm năm 2003-2006, Hải Phòng phát hiện 2.300 công-ten-nơ chứa 37.000 tấn rác thải nguy hại thì hiện nay tình trạng vận chuyển rác thải nguy hại đã giảm đáng kể, thế nhưng lại gia tăng báo động, tình trạng tuồn rác thải công nghiệp vào Việt Nam thông qua con đường tạm nhập tái xuất, dưới vỏ bọc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước.
Theo thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng, hiện tại cảng Hải Phòng đang tồn đọng gần 3000 công-ten-nơ chứa phế liệu, rác thải công nghiệp thuộc diện hàng hóa cấm nhập khẩu. Không chỉ riêng Hải Phòng, tình trạng nhập khẩu rác thải công nghiệp xảy ra hầu hết tại các cảng biển của Việt Nam.
Cần biện pháp mạnh
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sở dĩ tình trạng tuồn rác thải công nghiệp vào Việt Nam ngày càng tăng là do ở những nước phát triển, chi phí để xử lý rác thải rất cao, nên các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đẩy số rác này sang các nước đang phát triển. Mặt khác, do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu còn những lỗ hổng, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để trục lợi. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp chỉ bị phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tái xuất số rác thải đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thế nhưng nhiều lô hàng không thể tái xuất được vì không xác định được chủ hàng. Với những gì đang diễn ra, các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam đã và đang dần trở thành bãi phế liệu của nhiều nước phát triển.
Theo Cục Hải quan TP Hải Phòng, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý loại hàng hóa này rất khó khăn. Mỗi ngày, lực lượng hải quan không thể dàn người để kiểm tra tới hàng trăm công-ten-nơ hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trong khi đó, hệ thống trang, thiết bị lại thiếu đã ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm.
Ðể giải quyết tình trạng trên, cần xây dựng một bảng danh mục các chất cụ thể không được cho lẫn vào các lô hàng phế liệu, để doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng làm căn cứ thực hiện. Cần xác định rõ tỷ lệ cho phép tạp chất có lẫn khi nhập phế liệu phục vụ sản xuất. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương giám sát các doanh nghiệp khi nhập khẩu phế liệu, ngăn chặn kịp thời hành vi nhập khẩu phế liệu nguy hại vào Việt Nam, đồng thời phạt tiền thật nặng các doanh nghiệp nhập rác thải nguy hại vào Việt Nam hòng kiếm lợi bất chính.
. Theo HUYỀN TRANG (QĐND)