Triển khai sản xuất vụ đông xuân: Linh hoạt điều chỉnh lịch thời vụ, sớm lo chống hạn
Vụ Ðông Xuân 2020 - 2021 là mùa vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, nên ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, linh động điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp nhằm giành thắng lợi vụ sản xuất này.
Vụ Đông Xuân (ĐX) 2020 - 2021, tỉnh Bình Định có kế hoạch sản xuất 47.915 ha lúa, 2.516 ha bắp, 7.701 ha đậu phụng và trên 6.000 ha rau các loại, phấn đấu đạt 687.864 tấn lương thực có hạt, trong đó sản lượng thóc đạt 640.894 tấn.
Linh hoạt điều chỉnh lịch thời vụ
Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Sở phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo lịch thời vụ, cơ cấu giống và chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định xây dựng kế hoạch, lịch tưới, thông báo cho các địa phương biết để chủ động điều hành sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kêu gọi các DN liên doanh liên kết với các HTX xây dựng cánh đồng lớn, cánh mẫu lớn; hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất, hạn chế rủi ro do thời tiết.
Các tổ máy cày HTXNN Phú Phong 1 (huyện Tây Sơn) đồng loạt cày ngâm, diệt cỏ chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân. Ảnh: Đ. NGỌC
Tiết Đại tuyết (ngày 22 - 23.10 âm lịch hàng năm) thường xảy ra mưa lớn ở đầu vụ sản xuất, làm hư hại lúa giống. Vì vậy, trong vụ ĐX năm 2020 - 2021, ngành nông nghiệp đặc biệt lưu ý đến yếu tố bất lợi từ tiết Đại tuyết, linh động điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu giống để né tránh hiện tượng mưa lũ cực đoan. Đối với diện tích đất chân cao cao sạ cưỡng, nông dân trong tỉnh xuống giống trong tháng 11.2020. Diện tích đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, có 2 phương án để thực hiện. Trường hợp tiết Đại tuyết không có mưa lớn, tập trung gieo sạ từ ngày 25.11 đến trước ngày 5.12.2020; nếu xảy ra mưa lớn, lùi lại đến ngày 7.12 mới xuống giống. Diện tích đất sản xuất 2 vụ lúa/năm, từ ngày 10 - 25.12.2020 gieo sạ. Với cây trồng cạn, từ cuối tháng 12.2020 nông dân xuống giống là phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, lịch thời vụ thay đổi, cơ cấu giống cũng phải có điều chỉnh để vừa đảm bảo thời gian sinh trưởng và giúp cây trồng phát huy tiềm năng về năng suất, vừa không để ảnh hưởng đến vụ sau. Trên cơ sở khung lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, các địa phương căn cứ đặc điểm, thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, lấy mốc thời điểm cho lúa trỗ tránh được điều kiện bất lợi của thời tiết để bố trí thời điểm gieo sạ phù hợp cho từng vùng, từng điều kiện cụ thể. Thay vì sử dụng các giống lúa dài ngày, ngành nông nghiệp tỉnh cơ cấu các giống lúa ngắn và trung ngày có tiềm năng năng suất cao, như: Khang dân đột biến, ĐV108, TBR36, An Sinh 1399, Q5, TBR1, ĐV 108.
Quyết tâm giành thắng lợi
Xác định vụ ĐX 2020 - 2021 là mùa vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm và cũng là vụ sản xuất có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về thiên tai, dịch bệnh gây hại cây trồng, các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ… đã triển khai nhiều biện pháp, quyết tâm giành thắng lợi vụ sản xuất này. Riêng huyện Tuy Phước phấn đấu đưa vào sử dụng 7.450 ha đất sản xuất lúa, năng suất đạt bình quân 73 tạ/ha; 170 ha bắp, 222 ha đậu phụng, 740 ha rau các loại.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: Hiện 7 HTXNN trên địa bàn huyện đang dự trữ khoảng 400 tấn lúa giống các loại; 9 HTX khác làm đại lý cho các DN cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp và lượng lúa giống trong dân cũng rất lớn, đảm bảo cho vụ sản xuất ĐX. Để nâng cao giá trị sản xuất, huyện sẽ xây dựng 22 cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích 770 ha và 5 cánh đồng lớn tại các xã: Phước Sơn, Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thuận, Phước Thắng sản xuất và tiêu thụ lúa giống với DN. Từ ngày 10.12, nông dân đồng loạt xuống giống. Hiện các HTX đang phối hợp với các DN tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất, chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Những ngày qua, huyện Hoài Ân đã huy động phương tiện cơ giới hỗ trợ người dân các xã Bók Tới, Ân Sơn, Đắk Mang khôi phục 15 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá và khắc phục hệ thống kênh mương bị mưa lũ làm hư hỏng để phục vụ sản xuất, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất vụ ĐX. Vụ này, toàn huyện sản xuất 4.200 ha lúa, 700 ha bắp và 570ha rau đậu các loại. Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân Võ Duy Tín cho biết thêm: Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, huyện đã phát động phong trào nông dân diệt chuột; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật đầu tư, chăm sóc cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết chuỗi.
Trên các cánh đồng ở huyện Hoài Ân, nông dân đang làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Ông Nguyễn Văn Bốn, ở xã Ân Đức, cho hay: Tôi đã cải tạo xong 5 sào đất sản xuất 2 vụ lúa/năm, chuẩn bị hơn 50 kg lúa giống và 1 tạ phân bón các loại, đầu tháng 12.2020, tôi sẽ xuống giống.
Vụ này, huyện Tây Sơn có kế hoạch sản xuất khoảng 5.213 ha lúa, trong đó Bình Hòa là xã có diện tích sản xuất lúa vụ ĐX khá lớn, với trên 520 ha. Ông Nguyễn Văn Giác, Phó Chủ tịch UBND xã, cho hay: Sau mưa lũ đợt đầu tháng vừa qua, chúng tôi đã huy động lực lượng dân quân, thanh niên xung kích giúp bà con khôi phục diện tích đất bị sa bồi nhẹ; trích ngân sách hỗ trợ người dân sản xuất lúa lai với mức 25.000 đồng/kg. Đồng thời, hỗ trợ mua gom 2.000 đồng/đuôi chuột để vận động nhân dân tích cực ra đồng diệt chuột, bảo vệ mùa màng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ thông tin thêm: Mưa lũ gây hại vậy nhưng lượng mưa lại không lớn, các hồ chứa nước trên địa bàn huyện mới chỉ tích khoảng 38% dung tích. Vì vậy, ngay từ bây giờ huyện đã chỉ đạo các địa phương lập phương án chống hạn cho vụ ĐX 2020 - 2021 và cả năm 2021. Kiên quyết gieo sạ đúng lịch thời vụ chung trên cơ sở điều kiện thực tế tại địa phương, đảm bảo thắng lợi vụ sản xuất chính trong năm”.
TIẾN SỸ - ĐINH NGỌC