Phạt sếp để nhân viên uống rượu, bia trong giờ làm việc: Ai giám sát, ai phạt?
Một trong những quy định đáng chú ý tại Nghị định 117 do Chính phủ vừa ban hành là xử phạt người đứng đầu các đơn vị để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc và tại cơ quan.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu có một trong các hành vi như: Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức; Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia tại địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành.
Nghị định chính thức có hiệu lực hơn 1 tuần nay đã được dư luận xã hội quan tâm và hầu hết đều đồng tình với quy định mới này.
Anh Trần Chiến Thắng, một người dân ở phố Cầu Giấy chia sẻ, đây là một quy định hết sức văn minh và lẽ ra cần được triển khai sớm hơn. Bởi trước đó ai cũng hiểu rằng, sử dụng chất kích thích (rượu, bia…) trong giờ làm việc là điều cấm kỵ tại các cơ quan công sở, nơi làm việc. Do vậy, Nghị định 117 ra đời với mức phạt nghiêm khắc, hy vọng sẽ được lan tỏa mạnh mẽ tại các cơ quan Nhà nước và sự tích cực của Nghị định cũng sẽ được phát huy.
Cùng quan điểm, chị Hoàng Hồng Hoa, một nhân viên văn phòng ở Thụy Khuê, Ba Đình (Hà Nội) cho hay, là phụ nữ, ít khi tiếp xúc với rượu, bia, nhưng chị đã từng chứng kiến một số nhân viên nam uống rượu, bia trong giờ làm việc mà không có sự can thiệp của người đứng đầu cơ quan. Điều này không hề văn minh, gây ảnh hưởng đến các đồng nghiệp, công việc chung. Một số người sau khi uống rượu không thể tiết chế lời nói, hành động đã dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.
Nhiều người còn băn khoăn về việc thực thi và chế tài xử phạt việc “sếp” để nhân viên uống rượu, bia trong giờ làm việc. (Ảnh minh họa)
Hiện nay, hơn 80% dân số Việt Nam uống rượu, bia đến mức lạm dụng thì việc ban hành Nghị định 117 là một quy định tiến bộ, phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhậu nhẹt tràn lan. Việc xử phạt này không chỉ tạo ra một thói quen văn minh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn thể hiện trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, tính khả thi của quy định này tới đâu và ai sẽ giám sát việc thực thi?
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, quy định này hoàn toàn có tính khả thi. Bởi đối tượng xử phạt những người vi phạm là nhân viên cơ quan công vụ. Trước khi bắt đầu làm việc trong môi trường công sở thì đây là một trong những điều đã được triển khai và quy định trong luật công chức, viên chức. Do đó, hoàn toàn có điều kiện để thực thi một cách tốt nhất những yêu cầu này.
“Trong thời gian qua, việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản, tới đây, khi việc uống rượu, bia được nâng lên thành một vấn đề lớn và được triển khai trong các cơ quan nhà nước thì đây chính là cơ sở để tôi tin rằng, hoàn toàn có thể thực hiện tốt những quy định tại Nghị định 117”, TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Về việc giám sát thực thi quy định, ông Thịnh cho rằng, các cơ quan công quyền đã thấm nhuần các quy định rồi, bản thân các công chức, viên chức và người làm việc trong các cơ quan Nhà nước phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Vì thế, không cần phải có một lực lượng nào đó để giám sát việc thực hiện mà chính bản thân công chức, viên chức là người giám sát, tố giác các hành vi sai trái đó và giúp đồng nghiệp tiếp cận các quy định cũng như thực thi các quy định này.
Nhìn nhận ở khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho hay, hiện, Nghị định đã có quy định về thẩm quyền xử phạt nhưng lực lượng nào được giao chuyên trách và làm sao họ chứng minh được hành vi vi phạm thì lại chưa được Nghị định đề cập đến.
Người tố giác người đứng đầu cơ quan tổ chức để người thuộc cơ quan tổ chức mình uống rượu, bia tại nơi làm việc hoặc không phải địa điểm được phép uống sẽ tố giác ngay khi hành vi vi phạm đang xảy ra, hoặc thu thập được chứng cứ, hình ảnh, clip ghi lại hành động của người uống rượu bia, người bán để cơ quan chức năng xử phạt nhanh.
Nếu cấp phòng không xử lý được phải báo cáo lên cấp sở, cấp vụ, cấp cục để xử lý. Ngoài những quy định của văn bản pháp luật ra, cơ quan tổ chức nên quy định, bất kì ai cũng được quyền tố giác nếu phát hiện được hành vi vi phạm. Mặt khác, cần có quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ người tố cáo, tránh việc có quy định pháp luật nhưng không triển khai được trên thực tiễn, bởi người tố cáo không được bảo vệ nên không dám tố cáo.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, để có thể thực thi Nghị định 117 một cách hiệu quả, ngoài việc các quy định phải rõ ràng, dễ áp dụng, dễ hiểu thì đòi hỏi sự nghiêm túc trong việc giám sát và xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền cũng như ý thức tự nguyện thực hiện và phối hợp của từng cơ quan, tổ chức và người dân.
Các cơ quan, tổ chức cần xem xét hoàn cảnh, công việc cụ thể được quy định tại Điều lệ và các văn bản riêng của từng cơ quan, tổ chức để áp dụng hiệu quả quy định này.
“Nghị định 117 đã quy định riêng một chương làm rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Do đó, người có thẩm quyền cần nắm rõ trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Nếu như các quy định pháp luật của chúng ta tốt nhưng thực tiễn áp dụng lại có nhiều vấn đề thì Nghị định cũng sẽ không được thực thi một cách hiệu quả và không phát huy được tác dụng của nó.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông qua giáo dục nhằm phổ biến các quy định của Nghị định để tiếp cận gần hơn đến người dân. Từ đó xây dựng ý thức pháp luật trong từng người và dần dần tạo thành thói quen, văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cuộc sống”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
Theo Chung Thủy (VOV.VN)