Hoạt động khoa học - công nghệ cấp huyện:
Được quan tâm nhiều hơn
Trong năm 2013, hoạt động khoa học-công nghệ (KHCN) cấp huyện ở tỉnh ta được đánh giá là đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hoạt động này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có những điều chỉnh trong thời gian tới.
Hiệu quả bước đầu
Theo kết quả kiểm tra tình hình hoạt động KHCN cấp huyện năm 2013 của Sở KHCN, tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Hội đồng KHCN và ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của hội đồng. Các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN triển khai trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố phần lớn đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài nguồn vốn KHCN được cấp, một số địa phương như: An Nhơn, Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão đã bố trí thêm kinh phí từ nguồn khác phục vụ cho hoạt động KHCN.
Công ty TNHH Công viên, Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn là đơn vị tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp địa phương.
- Trong ảnh: Nhân viên của công ty đang điều chỉnh tủ điều khiển chiếu sáng công cộng ứng dụng công nghệ đóng cắt điện qua máy tính.
Điều đáng ghi nhận là ngoài công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các địa phương như Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân đã triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH). Một số địa phương đã quan tâm đến việc tổ chức các đoàn kiểm tra về nhãn hiệu hàng hóa, đo lường và chất lượng hàng hóa, an toàn bức xạ trên địa bàn. Các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực phối hợp với đài truyền thanh địa phương tăng cường phổ biến các thông tin KHCN. Một số địa phương đã chủ động thực hiện công tác sở hữu trí tuệ và hỗ trợ phát triển các đặc sản địa phương…
Tuy vậy, hoạt động KHCN cấp huyện vẫn còn một số tồn tại. Ngoài huyện Phù Mỹ đã bố trí được cán bộ chuyên trách KHCN, những nơi còn lại đều là cán bộ kiêm nhiệm, chưa có biên chế chính thức cho cán bộ theo dõi hoạt động KHCN theo quy định. Kinh phí sự nghiệp KHCN được bố trí hàng năm có một số huyện chi không phù hợp. Các địa phương được bố trí thêm 4% trong tổng vốn đầu tư của địa phương cho tiềm lực KHCN, tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều lúng túng, chưa thực hiện.
Cần chủ động hơn
Ngoài những khó khăn, tồn tại do cơ chế và các điều kiện khách quan, một trong những yếu tố khiến cho hoạt động KHCN tại một số địa phương chưa thật sự phát huy hiệu quả là do lãnh đạo địa phương chưa thật sự quan tâm đến KHCN, việc xây dựng kế hoạch KHCN chưa được quan tâm. Vì đa số là cán bộ kiêm nhiệm nên công tác tham mưu, tư vấn của cán bộ được phân công theo dõi, quản lý hoạt động KHCN trên địa bàn còn nhiều hạn chế.
Theo các địa phương, để khắc phục những tồn tại, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động KHCN, hỗ trợ tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cần bố trí cán bộ chuyên trách KHCN tại từng địa phương. Đồng thời, Sở KHCN cần thường xuyên mở lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn để hoạt động KHCN tại địa phương dần đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả hơn.
Ông Lê Công Nhường, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết: Chuyển biến tích cực nhất là một số địa phương đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động NCKH. Tiêu biểu là TP Quy Nhơn, hàng năm đều có từ 3 - 4 đề tài được các đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện. Một số đơn vị như: Công ty TNHH Công viên, cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tích cực tham gia các đề tài NCKH để giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn có sự chênh lệch lớn trong hiệu quả hoạt động KHCN tại các địa phương trong tỉnh. Để việc triển khai các ứng dụng đạt hiệu quả, các địa phương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp triển khai các mô hình, các tiến bộ KHCN; chủ động đề xuất những vấn đề KHCN của địa phương để Sở KHCN có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn.
MAI HỒNG