Học văn hóa ở trường nghề
Học sinh hệ Trung cấp tại Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn vừa học nghề vừa học văn hóa. Ðặc biệt, kể từ năm học 2020 - 2021, các em có thể tham gia chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT quốc gia và có bằng tốt nghiệp THPT.
Cô Trần Kim Ngân trong giờ thực hành Hóa với học sinh.
“Mô hình 9 cộng”
“Mô hình 9 cộng” là cách gọi cho chương trình học văn hóa song song với học nghề. Trong đó, học sinh đang học nghề có thể lựa chọn chương trình dạy văn hóa với 4 môn hoặc 6 môn (cùng một thời lượng học như nhau) và được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo nghề; hoặc chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT với 7 môn và đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
● Năm học 2018 - 2019, Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có 202 em học sinh trung cấp nghề học văn hóa. Năm học 2019 - 2020 là 334 học sinh. Năm học 2020 - 2021, tới thời điểm hiện tại, số học sinh học văn hóa là 415 em, trong đó, có 331 em đăng ký học chương trình văn hóa trong chương trình đào tạo nghề, 84 em đăng ký học chương trình giáo dục thường xuyên.
● Khoa Ðại cương hiện có 8 giáo viên dạy văn hóa. 95% giáo viên là thạc sĩ. Các giáo viên đều nhiệt tình, trách nhiệm.
Tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, hoạt động dạy văn hóa đã triển khai nhiều năm nay. Các năm trước, nhà trường triển khai chương trình dạy văn hóa 4 môn (Văn, Toán, Lý, Hóa) với khối nghề kỹ thuật và 6 môn (Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa) đối với khối nghề du lịch - dịch vụ. Riêng năm học 2020 - 2021, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn liên kết với các cơ sở giáo dục thường xuyên (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp -Giáo dục thường xuyên TP Quy Nhơn) mở lớp đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT với 7 môn.
Cô Trần Thị Thu Thủy, Phó phụ trách khoa Đại cương Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh, năm nay, trường liên kết để mở thêm chương trình giáo dục thường xuyên, giúp học sinh tiết kiệm thời gian, tăng cơ hội việc làm. Xong chương trình trung cấp nghề 2 năm, các em sẽ phải học thêm một năm văn hóa và tham gia kỳ thi THPT quốc gia để nhận Bằng tốt nghiệp THPT. Với tấm bằng này, cơ hội để liên thông lên đại học của các em rộng mở hơn”.
Tốt nghiệp THCS, Trần Thị Hồng Phượng (18 tuổi, quê ở xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn) đi làm nghề. Quãng thời gian vất vả làm việc đã giúp cô gái nhận ra mong muốn được tiếp tục học tập, học nghề một cách bài bản. Tìm hiểu thông tin từ nhiều nơi, Phượng chọn Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn để có thể vừa học Trung cấp nghiệp vụ nhà hàng, vừa học chương trình giáo dục thường xuyên.
Phượng tâm sự: “Mong muốn của em là được học thẳng lên đại học. Buổi sáng em học nghề, buổi chiều học văn hóa ngay tại trường. Khá nhiều áp lực nhưng em nghĩ là để đạt được điều mình muốn thì phải cố gắng. Em vừa thi giữa kỳ môn Toán và đạt điểm 6,75”.
Vừa dạy, vừa dỗ
Đặt câu hỏi với một số học sinh Trung cấp nghề tại trường về lựa chọn học nghề khi vừa hết bậc THCS, các em đều thành thật chia sẻ: Vì đã ngán học văn hóa, vì học không nổi nữa nên xin ba mẹ đi học nghề. Điều này phản ánh chất lượng đầu vào của học sinh Trung cấp nghề khá thấp. Đây là thách thức đối với giáo viên dạy văn hóa tại trường nghề.
Cô Đỗ Thị Thành Huế, giáo viên môn Vật lý khoa Đại cương, cho biết: “Học sinh của mình đến từ rất nhiều huyện trong tỉnh, nhiều tỉnh lân cận. Các em hầu hết chỉ 15 tuổi, chưa có ý thức rõ ràng về định hướng tương lai nên học chểnh mảng, thiếu tập trung. Dù chương trình học đã giảm tải song việc vừa học nghề, vừa học văn hóa rất vất vả. Để thu hút các em vào bài giảng, tôi xây dựng nội dung dạy thật tinh gọn, kết nối chúng với nghề mà các em đang học. Chẳng hạn như Vật lý có liên hệ chặt chẽ với nghề điện, mình cố gắng liên kết một số nội dung nghề với kiến thức trên lớp”.
11 năm dạy văn hóa ở trường nghề, cô Huế đúc kết kinh nghiệm: Không phải học trò nào cũng có thể áp dụng “kỷ luật thép”. Để thật sự tạo được gắn kết giữa cô và trò, tạo động lực cho các em, tôi đặt mình vào hoàn cảnh của các em, hiểu được cái khó của các em. Có em phải đạp xe đạp gần 10 km đi học mỗi ngày, buổi trưa ngủ tạm ở lớp học. Có em ở xa cha mẹ, thiếu thốn tình cảm, 15 tuổi đầu phải tự nấu nướng, ăn vội để kịp lên lớp lúc 1 giờ chiều... Gọi là trò nhưng mà chẳng khác nào con, cháu của mình nên đôi lúc phải dỗ dành, động viên.
Bắt đầu công việc dạy văn hóa ở trường nghề được 2 năm, cô Trần Kim Ngân, giáo viên môn Hóa học, chia sẻ: “Tôi đã từng sốc trong những ngày đầu tiên lên lớp bởi phải nói quá nhiều để ổn định trật tự lớp. Học sinh quá đông, có lớp hơn 60 em. Hầu hết các em tiếp thu chậm, lơ là nên phải dạy chậm, mưa dầm thấm lâu. Những cái khó dần trở thành điều quen thuộc. Tôi vẫn có những học trò rất chăm chỉ, nghiêm túc, hợp tác với thầy cô. Sự nỗ lực, cố gắng của các em góp động lực cho tôi. Ví dụ như một cô học trò hiếu học mà mỗi lần nhắc lại mình đều rơi nước mắt. Cách đây 2 tháng, em qua đời vì bệnh ung thư não. Trước đó, em vẫn gọi điện thoại cho tôi với giọng tha thiết: “Cô đã bảo lưu kết quả học giúp em chưa? Đợi em khỏe lại sẽ tiếp tục học để kịp ra trường với các bạn””.
NGUYỄN MUỘI