Vĩnh Thạnh đổi mới tuyên truyền giáo dục pháp luật ở cơ sở
Những năm gần đây, huyện Vĩnh Thạnh luôn chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trên địa bàn.
Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho người dân vùng cao.
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi có 8 xã, 1 thị trấn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 37,9%, việc tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận.
Bám sát chỉ đạo từ cấp trên, hàng năm Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện công tác PBGDPL sát với tình hình thực tiễn; tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL. Hiện toàn huyện có 17 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, trong đó có 15 người có chuyên môn đại học Luật; có 97 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và có 59/59 Tổ hòa giải ở cơ sở với 388 hòa giải viên.
Từ đầu năm đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp ở các làng, thôn, khu phố 60 cuộc với 5.199 lượt người tham gia học tập; tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu pháp luật có hơn 2.800 lượt người tham gia. Riêng trong tháng 10.2020, Phòng Tư pháp huyện phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh - Chi nhánh số 5 và Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh tổ chức 6 điểm tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS các làng K2, K4 (xã Vĩnh Sơn) và M6, M7, M8, M9 (xã Vĩnh Hòa) thu hút gần 500 người tham gia. Chị Đinh Thị Cảnh, ở Làng M9 xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Nhờ đoàn công tác xuống địa phương tuyên truyền, tôi có cơ hội được biết thêm nhiều quy định về pháp luật như chưa cho phép trẻ em chưa đủ 16 tuổi đi xe máy; chồng đánh, đập chửi vợ con là sai trái và có thể bị xử lý hình sự...”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Việc tuyên truyền PBGDPL còn được lồng ghép thông qua sinh hoạt các mô hình, CLB như: Phụ nữ với pháp luật; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; không sinh con thứ ba; không phát rừng làm rẫy trái phép; phòng, chống bạo lực gia đình... Đến nay, toàn huyện đã xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả 30 mô hình và các CLB với khoảng 750 thành viên tham gia. Những mô hình và CLB đã phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
NGỌC ÁNH