Tiếng sáo Quy Nhơn
Không biết từ bao giờ, vào những đêm trăng sáng, tiếng sáo véo von từ khu ký túc xá của Đại học Quy Nhơn đã rạo rực lòng người. Theo tiếng sáo, những “sáo sĩ” đã gặp nhau và thành lập nên một CLB mang tên “Sáo trúc Quy Nhơn”. CLB sinh hoạt đều đặn vào chiều Chủ nhật và tối thứ Tư hàng tuần, tại công viên thiếu nhi TP Quy Nhơn.
Lúc đầu, CLB chỉ có hơn chục sinh viên yêu nhạc cụ dân tộc, nay đã quy tụ gần trăm thành viên làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau; không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội. Anh N.V.Minh, một giáo viên tiếng Anh đến từ huyện Phù Mỹ, chia sẻ: “Vì nhà xa nên tôi chỉ có thể vào sinh hoạt với CLB vào chiều Chủ nhật. Nhờ CLB, tôi thổi sáo tiến bộ lên nhiều”.
Là người được đánh giá là chơi sáo trội nhất, đồng thời cũng là chủ nhiệm CLB, anh Sầm Văn Thắng, cựu sinh viên Đại học Quy Nhơn, nói: “Chơi sáo không khó. Sự thành công phụ thuộc vào lòng đam mê và tính kiên trì. Đến với CLB, các thành viên được giao lưu, giúp đỡ nhiệt tình để thổi sáo tốt hơn”. Cũng theo anh Thắng, học sáo cần phải bắt đầu từ nhạc lý căn bản hoặc theo phương pháp cảm âm. Cảm âm là lắng nghe, thẩm thấu rồi thổi từng nốt nhạc, luyện nhiều sẽ thành thục. Nhiều thành viên CLB cũng cho rằng, nên đi từ những bài nhạc đơn giản như “Cháu lên ba”, “Lòng mẹ”… đến những bản nhạc khó hơn. Ngoài ra, có thể truy cập vào các website như: saotruc.vn; damsan.net… để học hỏi thêm từ các tay sáo đàn anh như: Nguyễn Hoàng Anh, Bùi Công Thơm, Nguyễn Văn Mão…
Đến với CLB Sáo trúc Quy Nhơn, ai cũng cảm nhận được sự thoải mái, lòng tĩnh tại, thanh thản. Để bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc thì việc phát huy những CLB như thế là rất cần thiết và có ý nghĩa.
CAO KỲ NAM