Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính:
Mức xử phạt tiền tăng rất cao
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, qua đó tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời thể chế hóa chủ trương của Ðảng - Nhà nước về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Ðể hiểu rõ hơn việc triển khai luật này ở Bình Ðịnh, PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
● Theo quy định thì Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013, song đến nay các nghị định hướng dẫn thi hành Luật vẫn chưa được ban hành đầy đủ. Vậy việc triển khai thực hiện việc XLVPHC có gặp những vướng mắc gì không, thưa ông?
Ông Trần Văn Sang
- Luật XLVPHC năm 2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2013, nhưng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014. Quốc hội cũng đã phân cấp cho Chính phủ ban hành 56 nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Đến thời điểm hiện nay, phần lớn các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên tại thời điểm 1.7.2013 thì một số nghị định hướng dẫn thi hành Luật chưa được ban hành kịp thời, vì vậy đã tạo ra những “khoảng trống” trong việc thi hành pháp luật. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng quy định trong các nghị định hiện hành và các biểu mẫu, biên bản kèm theo mà không trái với tinh thần của Luật XLVPHC trong thời gian các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC chưa ban hành hoặc chưa có hiệu lực pháp luật. Đối với một số biểu mẫu được quy định tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP chưa cụ thể, chưa phù hợp với từng ngành, Chính phủ đã giao cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh có thể ban hành các loại biểu mẫu phù hợp để thực hiện thống nhất theo lĩnh vực, ngành và địa phương.
● Xin ông cho biết, việc triển khai thi hành Luật XLVPHC ở tỉnh ta đã được tiến hành như thế nào?
- Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch và đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Luật XLVPHC cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND, phòng tư pháp cấp huyện, các cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu trong công tác XLVPHC. Sở Tư pháp cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc triển khai Luật XLVPHC và Nghị định 81/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, đồng thời Sở có văn bản gửi đến các sở, ban, ngành và địa phương để phối hợp thực hiện một số nội dung theo Luật. Hiện một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã gửi quyết định XLVPHC đến Sở Tư pháp và cơ quan tư pháp cùng cấp để theo dõi, tổng hợp.
Theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng tổ chức bộ máy biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về XLVPHC của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan tư pháp địa phương, thì sẽ thành lập phòng quản lý công tác XLVPHC thuộc Sở Tư pháp hoặc bổ sung từ 3 đến 5 biên chế cho Sở và ít nhất là 1 biên chế cho phòng tư pháp cấp huyện, bổ sung biên chế tư pháp - hộ tịch cấp xã để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật, nhưng hiện nay tỉnh ta chưa thực hiện được vì chưa có biên chế.
● Thưa ông, thực tế thi hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trước đây đã có hiện tượng “nhờn luật”, vậy những quy định của Luật XLVPHC năm 2012 có khắc phục được tình trạng này không?
- Để hạn chế tình trạng này, Luật quy định tăng mức xử phạt tiền lên rất cao so với quy định cũ. Trước đây, Pháp lệnh quy định mức phạt chỉ dao động từ 10.000 đồng đến 500 triệu đồng, nhưng theo quy định mới, mức phạt tăng từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân. Nếu là tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi (từ 100 ngàn đồng đến 2 tỉ đồng). Nhiều lĩnh vực có mức phạt rất cao như: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, mức phạt lên đến 200 triệu đồng; khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước phạt cao nhất là 250 triệu đồng. Đặc biệt, vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng hay vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị phạt đến 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ vẫn phải là ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong quá trình chấp hành pháp luật.
● Xin cảm ơn ông.
KIỀU ANH (Thực hiện)