Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính:
Góp phần khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế
Ngày 20.11, UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 72/2020/QÐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An, quy chế này có vai trò quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN.
Ông Lê Ngọc An cho biết, thời gian qua, công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đầu năm 2020, tỷ lệ hồ sơ TTHC trễ hạn lên đến 16%, đến nay chỉ còn 4,5%.
Bên cạnh đó, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng phần mềm một cửa điện tử của tỉnh để luân chuyển hồ sơ TTHC liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã dưới dạng điện tử (thay cho hồ sơ giấy), góp phần tiết kiệm rất nhiều thời gian trong công tác phối hợp giải quyết công việc. Quy trình giải quyết tất cả các TTHC hiện nay đều được “điện tử hóa” trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, qua đó minh bạch trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận chuyên môn.
Về mặt thể chế, đến nay tỉnh đã ban hành tương đối đầy đủ các quy định về giải quyết TTHC trên cơ sở các quy định của Trung ương, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó có 2 văn bản rất quan trọng là Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định; Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Sự phối hợp và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công vụ của một số công chức, viên chức chưa cao, còn gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Hồ sơ TTHC liên thông giải quyết còn trễ hẹn nhưng chưa quy định rõ việc xin lỗi thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nào. Công tác cải cách TTHC vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả; có nội dung công việc quy định nhiều hơn một TTHC nên tổ chức, công dân vẫn phải đến nhiều nơi để liên hệ giải quyết…
● Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh có những nội dung đáng chú ý nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thưa ông?
- Đầu tiên, Quy chế quy định mọi giao dịch TTHC (bao gồm việc bổ sung thành phần hồ sơ) phải thực hiện tại một địa điểm duy nhất là bộ phận một cửa. Nghiêm cấm các hoạt động giao dịch với tổ chức, công dân tại bộ phận chuyên môn của các cơ quan, đơn vị; trường hợp bộ phận chuyên môn cần làm việc trực tiếp với tổ chức, công dân thì phải báo cáo, đề xuất cụ thể để thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, có văn bản cụ thể để thông báo cho tổ chức, công dân biết.
Thứ hai, Quy chế quy định trách nhiệm cụ thể của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc xin lỗi tổ chức, công dân đối với các trường hợp hồ sơ TTHC liên thông giải quyết trễ hẹn. Theo đó, hồ sơ liên thông có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị giải quyết quá thời gian quy định dẫn đến hồ sơ trễ phải trực tiếp xin lỗi tổ chức, công dân. Văn bản xin lỗi phải được cơ quan, đơn vị đó trực tiếp gửi đến tổ chức, công dân và niêm yết công khai tại bộ phận Một cửa, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị trong thời hạn ít nhất 30 ngày.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện chức năng kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh sẽ nghiên cứu và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phân công các sở, ban, ngành chủ trì xây dựng các quy chế thực hiện liên thông nhóm TTHC có liên quan với nhau. Qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân chỉ cần đến một nơi duy nhất và nộp hồ sơ một lần để được cơ quan Nhà nước giải quyết.
● Quy định cụ thể đã có, quan trọng là làm thế nào để Quy chế thật sự đi vào thực tiễn, tác động tích cực đến công tác giải quyết hồ sơ TTHC trong thời gian tới...
- Đúng vậy. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Quy chế đến từng bộ phận chuyên môn, cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Quy chế để nhân dân thực hiện, giám sát. Khi phát hiện các trường hợp thực hiện không đúng quy định thì khuyến khích người dân kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC tại bộ phận Một cửa của UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh.
Cùng với đó là chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Quy chế. Cần tăng cường kiểm tra đột xuất để hạn chế việc “đối phó”, “hình thức”, có vậy mới đánh giá đúng, sát với tình hình thực tế để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, hạn chế. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong giải quyết hồ sơ TTHC, nhất là các trường hợp cố tình kéo dài thời gian giải quyết, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân.
Cuối cùng là chú trọng việc tổ chức xin ý kiến đánh giá của nhân dân đối với công tác giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị, địa phương với tinh thần thật sự cầu thị. Chúng tôi sẵn sàng và rất mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết và khách quan của tổ chức, công dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tham mưu đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế để ngày càng nâng cao chất lượng công tác, mang đến sự hài lòng cho tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)