Gốm Ðồng Phó
Trong tác phẩm Các điều ghi chú về nghề làm gốm ở tỉnh Bình Định, xuất bản năm 1927, tác giả Roland Bulteau viết về sản phẩm từ lò nung Đồng Phó, ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, như sau: “Thượng Giang 27 thợ nam và nữ hiện đang làm gốm, hàng tháng làm được gần 1.400 đồ gốm khác nhau, trong đó có 700 cái có tráng men… Người ta chủ yếu làm các bình hoa hình tròn và lục giác, các dĩa, ống nhổ, thau, vò ấm đun nước, nồi, xoong, niêu, bát, bình vôi, lọ, chỉnh, nộng - bussa. Các đồ này bán ra các chợ An Khê (tỉnh Gia Lai); An Thái, Kiên Mỹ (Bình Định)”.
Gần đây, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã sưu tầm được một số lượng khá lớn, gồm hơn 20 hiện vật đồ gốm còn nguyên vẹn, là sản phẩm của các lò nung gốm ở Đồng Phó. Hiện vật sưu tầm được phong phú về loại hình và kích cỡ như: Hũ nhỏ, hũ cỡ trung, bình củ tỏi, vò...
Loại hình hũ nhỏ thường có dáng thấp; miệng nhỏ, thẳng, cắt bằng; cổ thấp; vai nở; thân phình to, tròn, thu nhỏ về đáy; đáy rộng, mặt đáy hơi lõm ở giữa. Các hũ loại này thường có dấu vết tráng men nhưng men bị sống, thô. Xương gốm cứng do nung ở nhiệt độ cao. Hoa văn trang trí khá đơn giản, chủ yếu trang trí các vòng tròn khắc chìm chạy vòng quanh phần vai hoặc thân, có chiếc thì trang trí 4 bông hoa 5 cánh cách điệu đắp nổi, rất nhỏ. Trong số đó có là hai hũ gốm cỡ trung có màu sắc và hình dáng khá đẹp.
Đặc biệt có một hũ gốm tráng men màu vàng bóng (đường kính miệng 12,5cm; cao 16,5 cm; đường kính đáy 13 cm, ảnh). Hũ có dáng thấp; thân phình tròn thu nhỏ về đáy; miệng rộng; cổ thẳng, thấp, vành miệng cắt bằng; vai nở; mặt đáy bằng; trên vai có trổ 4 quai dọc, phân bố thành 2 cặp đối xứng nhau qua miệng hũ, nhưng một quai đã bị gãy mất. Hũ tráng men mặt ngoài, mặt trong không tráng men, lớp men tráng rất mỏng. Xương gốm khá dày. Vai hũ trang trí 2 cặp vòng tròn song song khắc chìm nhưng hơi mờ. Hũ được tạo dáng cân đối, khá trau chuốt, tỉ mỉ; xương gốm mịn, rất ít tạp chất, dày, cho thấy sự khắt khe trong việc tuyển chọn và xử lý đất nguyên liệu, những chi tiết như vậy phản ánh kỹ thuật làm gốm đã vươn đến tầm khá cao. Đặc biệt ở chiếc hũ tráng men màu vàng bóng, xương gốm đã gần như đạt đến đồ sứ.
Việc sưu tầm được những hiện vật gốm Đồng Phó, càng củng cố chắc chắn sự hiện diện cũng như trình độ sản xuất của nghề gốm từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX ở huyện Tây Sơn.
NGUYỄN VIẾT TUẤN