KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH PHRIĐƠRICH ĂNGGHEN (28.11.1820 - 28.11.2020)
Người thầy lỗi lạc vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn
Ph.Ăngghen là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới. Ông là cộng sự đắc lực và có công lớn phát triển học thuyết Các Mác, lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Việc vận dụng sáng tạo lý luận nói chung, học thuyết Các Mác của ông nói riêng, đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng, mẫu mực về vận dụng lý luận vào thực tiễn.
Vận dụng sáng tạo, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác
V.I.Lênin chỉ rõ: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph.Ăngghen”. Việc vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác của Ph.Ăng ghen được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau đây:
Một là, Ph. Ăngghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Điều này thể hiện ở chỗ, mỗi lần tái bản tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Ph.Ăngghen đều viết lại lời tựa với những nội dung mới, bám sát tình hình thực tiễn và những nhận thức lý luận mới của ông. Một số nhận định trong “Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản” sau này đã được chính Ph.Ăngghen khẳng định nếu viết lại thì cũng phải bổ sung. Từ đó, ông yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”.
Thứ hai, sau khi Các Mác qua đời, Ph. Ăngghen đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện một công việc rất nặng nề và hết sức khó khăn, đó là chỉnh lý, biên tập và xuất bản tiếp tục các bản thảo còn lại của bộ “Tư bản” - tác phẩm vĩ đại nhất của Các Mác. Những tác phẩm này thể hiện rất rõ sự sáng tạo của Ph.Ăng ghen. Ông đã “kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều hóa học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành một mớ những công thức bất biến. Ðồng thời, ông đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh. Khi tình hình thay đổi và cuộc sống hiện thực đặt ra những vấn đề mới, ông dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình. Ông thẳng thắn thừa nhận sai lầm của ông và Các Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng 1848 - 1852 khi nhận định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân”.
Ph.Ăng ghen đã bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác: “Trên thực tế đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, các trào lưu tư tưởng vô sản là xuyên suốt, liên tục, trở thành cái chung, tính quy luật đặc trưng, đồng thời là động lực cho sự phát triển chủ nghĩa Mác”. Cuộc đấu tranh này được thể hiện sâu sắc trong từng nội dung lý luận, từng luận điểm và trở thành phong cách, phẩm chất của các nhà Mác xít, đặc biệt, qua cuộc đấu tranh trực diện của Ph.Ăng ghen để bảo vệ chân lý của chủ nghĩa Mác.
Tấm gương về vận dụng sáng tạo lý luận
Từ phân tích ở trên, cho thấy những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen đối với học thuyết Các Mác và phong trào cách mạng của giai cấp vô sản thế giới hơn 170 năm qua. Những cống hiến vĩ đại của ông còn tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
Noi theo tấm gương sáng ngời của Ph.Ăngghen về vận dụng sáng tạo lý luận, trong giai đoạn hiện nay, theo tôi cần thực hiện tốt mấy việc sau đây:
Một là, cần có thái độ và phương pháp đúng đắn trong tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại. Cần nhìn nhận, đánh giá khách quan, tránh hai khuynh hướng trong tiếp cận những học thuyết, thành tựu khoa học, công nghệ mới. Thứ nhất, là quá đề cao, cho rằng những học thuyết, thành tựu khoa học, công nghệ mới có thể thay thế tất cả các học thuyết trước đây, kể cả chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, coi thường những học thuyết, thành tựu khoa học, công nghệ mới; từ đó, chối bỏ ứng dụng thành tựu KHCN mới vào thực tiễn.
Hai là, cần tiếp tục vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đặc biệt quán triệt phương châm: “Xem xét một vấn đề cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể”. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể dùng “ngọn đèn pha” lý luận cách mạng và khoa học để “soi sáng” cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.
Ba là, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập tấm gương vĩ đại của Ph.Ăngghen, chúng ta phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, cần đặc biệt chú ý chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện nhận thức lệch lạc (nếu có) trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nơi cơ quan, đơn vị, địa phương mình đang lãnh đạo.
LÊ VĂN MINH (Trường Chính trị tỉnh)