Ðưa tín dụng thương mại về khu vực nông thôn: Tận dụng vai trò cầu nối của hội, đoàn thể
Bằng cách tăng cường hợp tác với các hội, đoàn thể địa phương, nhiều ngân hàng thương mại thông qua kênh ủy thác đưa tín dụng về khu vực nông thôn trong tỉnh.
Với cách làm tương tự như Ngân hàng CSXH Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã khơi dòng vốn về khu vực nông thôn. Từ sự hợp tác này, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), nhiều gia đình, cơ sở sản xuất ở nông thôn đã có thêm cơ hội tiếp cận với dòng tín dụng phù hợp.
Ngân hàng bắt tay hội, đoàn thể
Đầu tiên và thành công nhất trong việc tận dụng cầu nối có sẵn vừa kể là Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank). Mấy năm gần đây, danh sách này đã nối dài thêm với nhiều tổ chức tín dụng mới như: Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)… Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, dòng tín dụng của các NHTM khi đi qua kênh ủy thác các hội, đoàn thể các cấp đã giúp ngân hàng có thêm khách hàng, người dân có thêm cơ hội tiếp cận, bổ sung vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nhờ được vay kịp thời, một hộ gia đình ở huyện Phù Mỹ đã có vốn để triển khai mô hình trồng tiêu kết hợp với trồng rừng nguyên liệu bao quanh.
Thông qua chương trình hợp tác giữa Hội sở và Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2018, LienVietPostBank Bình Định ký hợp tác với Hội LHPN tỉnh, triển khai chương trình tín dụng cho vay tín chấp, lãi suất ưu đãi với hội phụ nữ. Ông Dương Thành Vương, Giám đốc LienVietPostBank Bình Định, cho biết, ngân hàng là đơn vị tích cực phối hợp với Hội LHPN tỉnh trong việc thúc đẩy phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế theo Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025.
Tương tự, SeAbank Bình Định chọn kênh hợp tác với Hội LHPN đưa tín dụng ưu đãi về nông thôn, tập trung nhóm khách hàng hộ kinh doanh cá thể, các tiểu thương ở các chợ. Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc SeAbank Bình Định, cho biết: “Qua khảo sát thực tế ở Bình Định, chúng tôi thấy Hội LHPN có mạng lưới lớn ở các cấp, có nhiều hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh cao, mức độ khả tín cao, do đó SeAbank Bình Định ký thỏa thuận hợp tác với Hội LHPN xây dựng các tổ TK&VV. Cách làm của chúng tôi cũng tương tự nhiều ngân hàng khác, thông qua các tổ TK&VV để nắm bắt nhu cầu thực tế của thành viên; hỗ trợ các gói tín dụng phù hợp; cán bộ tín dụng của ngân hàng trực tiếp thẩm định hồ sơ vay vốn, trực tiếp giải ngân cho hộ vay. Điều này đã góp phần giảm tình trạng chiếm dụng vốn, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hạn chế nợ xấu. Đến nay, SeAbank Bình Định hợp tác với Hội LHPN tỉnh, thành lập 132 tổ TK&VV”.
Hợp tác tăng lợi ích đôi bên
Trong hợp tác với hội, đoàn thể các cấp, trong nhóm các NHTM, Agribank Bình Định chiếm tỷ lệ lớn. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là ngân hàng có mạng lưới giao dịch đều, rộng và sâu nhất tỉnh. Hầu hết các NHTM còn lại đều tiến về nông thôn trên một kênh tín dụng, lĩnh vực chuyên sâu nào đó mà hệ thống của họ đang tập trung khai thác, đẩy mạnh. Sự đa dạng ấy đưa tới những kết quả tích cực.
Thông qua kênh của Hội Nông dân huyện Phù Cát, Agribank Bình Định cho vay sản xuất hộ kinh doanh cá thể.
- Trong ảnh: Hộ gia đình chị Phan Thị Liên (thôn Phong An, xã Cát Trinh) vay vốn đầu tư sản xuất mặt hàng bảo hộ lao động.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân, hiện các tổ TK&VV của Hội chủ yếu là tập trung qua Ngân hàng CSXH. Toàn huyện có 99 tổ TK&VV với trên 4.400 thành viên, tổng dư nợ hơn 9,6 tỷ đồng đồng. Trên cơ sở các tổ TK&VV này, các NHTM hình thành mạng lưới ủy thác của riêng họ. Chẳng hạn, thông qua tổ TK&VV của các chi hội phụ nữ ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, SeAbank triển khai các chương trình tín dụng dành cho hộ tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể. Cũng là tín dụng thương mại nhưng chị em tiểu thương thấy chương trình của SeAbank có nhiều điểm phù hợp hơn một số NHTM khác nên họ khá phấn khởi.
Hầu hết các tổ TK&VV đều đã có thời gian vận hành khá lâu, các thành viên của tổ đều có nhiều kinh nghiệm, họ ý thức rõ ràng trách nhiệm với việc sử dụng vốn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng kinh doanh của Nam A Bank Quy Nhơn, chia sẻ: “Tôi nhận thấy các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hợp tác tốt, hỗ trợ rất tích cực khi chúng tôi đặt vấn đề khơi dòng vốn về địa phương. Khi thông qua các tổ TK&VV của các hội, đoàn thể, việc nắm bắt nhu cầu, đưa sản phẩm tín dụng phù hợp cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, ở những nơi đã quá quen việc, chúng tôi không lập tổ TT&VV. Chẳng hạn, ở Tuy Phước, Nam A Bank Quy Nhơn không thành lập tổ TT&VV trực tiếp, chúng tôi liên hệ với trưởng thôn, trưởng các chi hội, đoàn thể để tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm tín dụng phù hợp để bà con chọn lựa. Làm như vậy, chúng tôi tránh được va chạm với các ngân hàng lớn, mà vẫn có thể đưa sản phẩm mà chúng tôi có ưu thế đến với khách hàng. Nhờ cách làm này, hiện Nam A Bank Quy Nhơn đưa tín dụng, đặc biệt tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp đến nhiều địa phương trong tỉnh, điển hình là Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn.
● “Thống kê cho biết, tính đến hết tháng 10.2020, Agribank Bình Ðịnh có 264 tổ, nhóm vay với 4.293 thành viên; dư nợ đạt 270 tỷ đồng. Việc triển khai vay vốn qua hợp tác ủy thác với các hội, đoàn thể cơ sở địa phương đã mang lợi ích cho cả ngân hàng lẫn khách hàng”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định
● “HDBank khai thác mạng lưới tổ TK&VV sẵn có của các hội, đoàn thể địa phương để đưa tín dụng, đặc biệt dòng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, đến với người dân. Từ năm 2018 đến nay, HDBank An Nhơn mở rộng mạng lưới hoạt động từ vùng lõi TX An Nhơn lan tỏa đến một số địa phương lân cận thuộc huyện Tuy Phước; năm 2020 đã tiếp cận được với 3 xã là Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hưng của huyện Phù Cát. Dư nợ tín dụng lĩnh vực này đạt 80 tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Tấn Vỹ, Trưởng phòng giao dịch HDBank An Nhơn
● “Hợp tác với các ngân hàng là cách để mở rộng kênh tiếp cận tín dụng cho các hội viên đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Ðến nay, Hội Nông dân tỉnh hợp tác với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, Agribank Bình Ðịnh thành lập các tổ TK&VV của Hội Nông dân trong tỉnh. Riêng với Agribank, Hội Nông dân tỉnh thành lập được 200 tổ, dư nợ tăng hơn cùng kỳ năm 2019”.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
THU DỊU