ASEAN tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia
Ngày 26.11, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) đã hoàn thành các nội dung đề ra và thống nhất tuyên bố chung.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhận thấy bản sắc và tình đoàn kết, gắn bó, năng lực tự cường của Cộng đồng ASEAN tiếp tục được duy trì. Trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, các nước ASEAN còn phải đối mặt với một “kẻ thù nguy hiểm” khác là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn mới và tinh vi. Thực tế này đòi hỏi các nước ASEAN, nhất là các cơ quan thực thi pháp luật cần phải tìm ra các giải pháp, phương hướng phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Để xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, Thủ tướng đề nghị một số ưu tiên, như: tiếp tục gắn kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau 2025, đặc biệt chú trọng xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh vững mạnh, qua đó khẳng định vai trò của cơ chế hội nghị AMMTC trong việc giải quyết các vấn đề tội phạm, góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Trong khuôn khổ hội nghị, các bộ trưởng ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia đã ra tuyên bố chung AMMTC 14 gồm 13 điều, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường gắn kết hơn nữa trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, trong bối cảnh hiện nay; biểu dương nỗ lực của Việt Nam trong thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp bộ trưởng trong cơ chế AMMTC. Kết thúc phiên họp toàn thể Hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an Việt Nam đã bàn giao vai trò Chủ tịch AMMTC cho Brunei.
Cùng ngày 26.11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Học viện Quốc phòng. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích tiêu biểu mà học viện đạt được; đồng thời mong muốn học viện tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng để cập nhật vào quá trình truyền thụ cho học viên; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức huấn luyện, đào tạo sát với từng đối tượng; đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển tư duy lý luận, nghệ thuật quân sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trước mắt và lâu dài.
Theo ĐỖ TRUNG - TRẦN BÌNH (SGGP)