Cuộc chiến chống tin giả nóng bỏng, đòi hỏi trách nhiệm cao của nhà báo
Chiều 26.11, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa-Lịch sử-Khoa học Azerbaijan tại Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo ở Hà Nội với chủ đề “Trách nhiệm của báo chí trước tin tức giả”.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa-Lịch sử-Khoa học Azerbaijan tại Việt Nam Đào Xuân Tiến phát biểu. Bên trái ông Tiến là Đại sứ Azerbaijan Imanov. Ảnh: Trung Hiếu.
Sự kiện có sự tham dự của các cán bộ trung tâm nghiên cứu nói trên, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov, một số lãnh đạo các cơ quan báo chí và một số giảng viên mảng truyền thông quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, Tiến sĩ Đào Xuân Tiến – Giám đốc Trung tâm tâm nghiên cứu Văn hóa-Lịch sử-Khoa học Azerbaijan, đề cập tác động của mạng xã hội và cơ chế thị trường dẫn tới hiện tượng sử dụng tin giả (fake news) để “câu view, câu like”. Ông phân tích tác động tiêu cực của tin giả (tin thất thiệt) đối với xã hội và nền kinh tế, lấy thí dụ bằng tin giả liên quan đến dịch Covid-19, đồng thời giới thiệu các biện pháp cứng rắn của một số nước trên thế giới trong đấu tranh với tin giả.
Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền - PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh (bên trái), trình bày tham luận. Ảnh: Trung Hiếu.
Tiếp đó Đại sứ Azerbaijan Imanov phát biểu khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm chứng nhiều lần trước khi xuất bản trong lĩnh vực báo điện tử.
Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Ngọc Oanh, đã trình bày tham luận về các loại tin giả, mục đích của tin giả, và thực tế tin giả ở Việt Nam.
Trong khi đó, nhà báo Phùng Ngọc Đức nhấn mạnh đến cách thức xác định thật giả thông qua tích lũy tri thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ, năng lực nghi ngờ... Ông Phùng Ngọc Đức cũng nêu một tình huống ngược, đó là có những trường hợp tin tức ban đầu chỉ là tin đồn, thậm chí bị coi là tin ngụy tạo, nhưng về sau lại được thực tế xác nhận là tin thật hoàn toàn.
Một số đại diện người Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại sự kiện. Ảnh: Trung Hiếu.
Tin giả không phải là vấn đề mới nhưng vẫn hết sức phức tạp. Các diễn giả Nguyễn Ngọc Oanh, Đỗ Xuân Thông (Phó Tổng biên tập Báo Thế giới & Việt Nam), hay cựu Đại sứ Việt Nam tại một số nước Arab Nguyễn Quang Khai đều ít nhiều ghi nhận sự khó khăn trong xác định mức độ chính xác của thông tin về những sự kiện diễn ra ở rất xa Việt Nam.
Nhà báo Minh Tuấn thuộc Báo điện tử VTC News thì phát biểu về thực trạng trong các cuộc xung đột quân sự trên thế giới ngày nay thường đồng thời diễn ra một cuộc chiến tuyên truyền khốc liệt giữa hai phe, trong đó thông tin có thể bị thao túng khiến việc nhận diện sự thật không hề đơn giản.
Theo Trung Hiếu (VOV.VN)