Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh (1.12.1920-1.12.2020):
Đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Đức Anh (1920-2019) được Đảng, Nhà nước giao nhiều chức vụ như: Cục phó Cục Tác chiến; Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 9; Phó Bí thư Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh... Trên cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc và luôn là người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (thứ hai, từ phải sang) và Phó Chính ủy miền Nam Lê Văn Tưởng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền Nam tại căn cứ Tà Thiết năm 1971. Ảnh: Tư liệu
Cuối tháng 12.1963, nhận nhiệm vụ cấp trên giao, đồng chí Lê Đức Anh bí mật lên đường vào chiến trường miền Nam. Với cương vị Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đề xuất quan trọng và trực tiếp soạn thảo, triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Đồng thời, đồng chí đã cùng Cơ quan Tham mưu tích cực tiến hành công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiến công Bình Giã. Trong hơn một tháng chiến đấu tiến công, từ đêm 2.12.1964 đến ngày 3.1.1965, Chiến dịch Bình Giã đã giành thắng lợi to lớn, mục tiêu cơ bản của chiến dịch đặt ra đều thực hiện được.
Bước vào mùa khô năm 1966-1967, Mỹ và tay sai mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, mà đỉnh cao là cuộc hành quân Junction City đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu (phía Bắc tỉnh Tây Ninh) nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và chủ lực của ta, bịt chặt biên giới Việt Nam - Campuchia, mở rộng vành đai an ninh quanh Sài Gòn. Để vừa bảo toàn lực lượng, bám trụ trên địa bàn tác chiến không có dân, vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đề xuất: Di chuyển những người và tổ chức thật cần thiết thuộc Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền đến nơi an toàn; lực lượng còn lại tổ chức thành các “huyện căn cứ”, các “xã căn cứ” để đánh địch tại chỗ, phát huy cao độ ưu thế của du kích chiến, kết hợp với các đơn vị chủ lực cơ động đánh vào bên sườn và phía sau đội hình quân địch.
Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền nhất trí đề xuất này và giao đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng đánh địch tại chỗ. Sau gần 2 tháng chiến đấu (từ ngày 22.2.1967 đến ngày 15.4.1967), ta đã loại khỏi chiến đấu hơn 14.000 tên địch và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ, cơ quan đầu não kháng chiến, đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ - ngụy.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí Lê Đức Anh được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình, đồng chí Lê Đức Anh đã có những đề xuất quan trọng về chuyển hướng tiến công. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã có ý nghĩa quan trọng, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.
Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 9. Trong điều kiện cách mạng miền Nam đang trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trên địa bàn Quân khu 9, địch đã bình định lấn chiếm vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng phía Nam tỉnh Cà Mau, lực lượng và phong trào cách mạng giảm sút nghiêm trọng. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Chín Hòa) cùng đồng chí Võ Văn Kiệt (bí danh Tám Thuận) - Bí thư Khu ủy và các đồng chí trong Khu ủy, Bộ Tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức củng cố lực lượng, khôi phục lại thế và lực của Quân khu 9. Sau những nỗ lực vượt bậc và được sự chi viện to lớn của miền Bắc, lực lượng và phong trào cách mạng của Quân khu 9 đã nhanh chóng được khôi phục. Đến năm 1971 - 1972, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã liên tiếp nổ súng tiến công, đẩy lùi quân địch vào sát thị xã, thị trấn, bước đầu đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27.1.1973), ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris, ráo riết thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Trước tình hình đó, mặc dù chưa có chủ trương của cấp trên về tiến công quân sự, song dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, sự chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của Tư lệnh Lê Đức Anh, quân và dân Quân khu 9 đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô cấp quân đoàn của địch đánh vào Chương Thiện, lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn cùng với kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của địch.
Với những thành tích trong chỉ huy chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Paris năm 1973 trên địa bàn Quân khu 9 và những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1964-1974, ngày 16.4.1974, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký quyết định phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Năm 1974, được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô 1974-1975; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ lực huấn luyện và hoạt động tác chiến theo kế hoạch mới. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ huy các đơn vị liên tiếp tiến công địch trong các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài... tiến tới tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch ở Phước Long, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng tỉnh Phước Long với hơn 50 vạn dân.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm vai trò Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy trong suốt 2 cuộc chiến tranh giải phóng, đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức lực lượng, xác định các hướng, mũi tiến công, giao nhiệm vụ, hiệp đồng cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận; chỉ huy cánh quân đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc.
Theo Tuấn Khang (Biên phòng)