Hướng đến bệnh nhân nghèo
Từ tháng 9.2013, các cơ sở y tế trong tỉnh bắt đầu thực hiện hỗ trợ cho người nghèo khi khám, chữa bệnh (KCB) theo Quyết định 1921/QÐ-UBND của UBND tỉnh. Ðây là hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên, vẫn cần những điều chỉnh để việc hỗ trợ trọn vẹn hơn.
Sẻ chia gánh nặng chi phí
4 năm qua, đều đặn mỗi tuần 2 lần, anh Lê Tánh (42 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) lại bắt xe vào BVĐK tỉnh để chạy thận. Từng làm thợ đóng giày rồi công nhân gỗ, chàng trai có vóc dáng nhỏ bé này xốc vác chẳng kém ai. Vậy mà giờ đây, anh chẳng làm gì được. “Năm đầu tiên chạy thận, tay trái đã bể ven hết. Tay phải giờ cũng nổi cùng cục rồi, đâu dám làm việc nặng, chỉ quanh quẩn phụ việc nhà thôi”, anh chia sẻ.
Anh Tánh kể, nhà vốn đông anh em, nhưng ai cũng khó khăn. Vợ anh làm thuê ở một xưởng nhang, mỗi ngày được trả 40.000-50.000 đồng, lại phải nuôi con nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Thiếu trước hụt sau, anh chị đành phải “ở lì” nhà mẹ. Nhờ có thẻ BHYT người nghèo, anh chỉ phải trả 5% viện phí. Nay được Nhà nước hỗ trợ, khoản này cũng giảm tiếp 40%, cuộc sống thiếu vốn eo hẹp, túng bấn của gia đình anh nhờ vậy cũng giảm bớt chút nhọc nhằn.
Không riêng gì anh Tánh, hầu hết những bệnh nhân phải chạy thận triền miên ở khoa Nội thận - Lọc máu đều có hoàn cảnh ngặt nghèo. Thời gian chạy thận càng dài, cuộc sống càng khó khăn, sự hỗ trợ trên với họ càng thêm quý giá. Như bà Trần Thị Bông (44 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) chạy thận đã 6 năm nay. Chân tay đã teo riết, bụng chướng to, không thể tự đi lại được, nên mỗi tuần 3 lần, bà Bông phải nhờ mẹ đưa vào chạy thận. Bà bảo, giờ, một đồng cũng thấy quý.
Cùng với khoa Nội thận - Lọc máu, nhiều bệnh nhân điều trị tại khoa Ung bướu cũng được hỗ trợ chi phí KCB. Tháng 3.2013, bà Nguyễn Thị Truyền (59 tuổi, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) được mổ u não, sau đó phải xạ trị. Bà tâm sự: “Mổ tốn hơn 20 triệu đồng, rồi chi phí điều trị từ sau mổ đến nay đã hơn 50 triệu đồng. Nếu không nhờ khoản BHYT chi trả, cùng với Quỹ hỗ trợ KCB cho người nghèo, thật sự tôi chẳng biết xoay xở thế nào”.
Lúc cao điểm, số bệnh nhân điều trị tại khoa Ung bướu lên đến 140 người. “Đã mắc ung thư với chi phí điều trị cao, gần như ai cũng nghèo túng, kiệt quệ. Tuy mới triển khai thực hiện, nhưng khoản hỗ trợ đã mang ý nghĩa lớn, chia sẻ khó khăn với nhiều người”, Trưởng khoa Ung bướu Nguyễn Minh Trí nhận định.
Để vẹn cả đôi đường
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh Nguyễn Ngọc Hùng, bình quân mỗi tháng, có khoảng 30 bệnh nhân được hỗ trợ KCB tại Trung tâm. Việc thực hiện hỗ trợ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số vốn ít chú trọng các loại giấy tờ tùy thân, thậm chí không chịu làm giấy khai sinh cho con. Trong khi đó, tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tình trạng bệnh nhân xuất viện mới quay trở lại làm thủ tục hỗ trợ đã được hạn chế đáng kể.
Tại BVĐK tỉnh, 4 tháng qua, có hơn 950 bệnh nhân được hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng. Theo Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Thị Oanh, thủ tục để giải quyết hỗ trợ còn rườm rà, chưa thật sự thuận lợi cho bệnh nhân và cả bệnh viện. Bệnh viện phải bố trí 2 người ở phòng Tài chính - Kế toán phụ trách hồ sơ, thủ tục thanh toán.
Đơn cử, hồ sơ giải quyết hỗ trợ cho bệnh nhân Nguyễn Xây (ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, điều trị từ ngày 5.12 đến ngày 7.12.2013) có đến 5 loại giấy tờ của bệnh viện, cùng bản sao thẻ BHYT, CMND, giấy chứng nhận hộ nghèo. Và, số tiền được hỗ trợ là… 34.500 đồng!
Lãnh đạo một số cơ sở y tế đề nghị, nên đưa khoản hỗ trợ KCB cho người nghèo vào thẻ BHYT, hạ mức đồng chi trả phù hợp; góp phần giảm hao phí không cần thiết cho bệnh viện, bớt chi phí đi lại cho các trường hợp phải bổ sung giấy tờ. Thêm nữa, cũng cần giảm bớt thủ tục, đã có thẻ BHYT dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số thì có nhất thiết phải kèm theo bản sao sổ hộ nghèo, sổ hộ khẩu?
Một khó khăn khác là đảm bảo quy định mỗi bệnh nhân được hỗ trợ không quá 4 đợt/năm. Trước mắt, để kiểm soát số lượt điều trị, lãnh đạo Sở Y tế đưa ra phương án đóng dấu vào sau thẻ BHYT. “Nhưng nếu người bệnh làm mất thẻ BHYT, được cấp lại thẻ mới thì làm sao quản lý?”, bà Trần Thị Kim Trung, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế toán, BVĐK tỉnh, đặt vấn đề.
Mới đây, Ban quản lý Quỹ KCB cho người nghèo tỉnh đã đồng ý chủ trương in sổ để quản lý các đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, về lâu dài, phương án này cũng chưa thật sự khả thi. “Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng phần mềm thích hợp để đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn”, bác sĩ Phạm Thị Oanh cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG