HUYỆN TÂY SƠN:
Hỗ trợ hộ nghèo bằng dự án vỗ béo bò
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tháng 8.2020, huyện Tây Sơn đầu tư 396 triệu đồng xây dựng 3 dự án giảm nghèo bền vững - phát triển sản xuất đa dạng sinh kế, thông qua triển khai hiệu quả mô hình nuôi bò vỗ béo tại nhiều hộ nông dân nghèo ở 2 xã Bình Tân và Bình Thành.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của hộ nông dân Trần Ao ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành.
Tây Sơn là một trong những huyện phát triển chăn nuôi bò mạnh trong tỉnh. Tuy nhiên phần lớn nông dân trên địa bàn huyện áp dụng hình thức nuôi quảng canh, chưa mạnh dạn đầu tư vốn và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi. Bò thường xuất bán khi chưa được vỗ béo. Do đó, chưa nâng cao tỷ lệ thịt xẻ và giá trị dinh dưỡng của thịt làm giảm hiệu quả kinh tế chăn nuôi.
Từ tháng 8 đến tháng 11.2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn triển khai xây dựng 3 mô hình nuôi vỗ béo bò trước khi xuất bán tại 2 xã Bình Tân và xã Bình Thành, với 39 hộ nông dân nghèo tham gia thực hiện vỗ béo 39 con bò gầy. Theo ông Trịnh Văn Thừa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, nuôi bò vỗ béo không phải là kỹ thuật, mô hình hay cách thức gì mới, khi những năm gần đây có nhiều hộ đã làm rồi. Ngay cả Trung tâm cũng triển khai rất nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò, trong đó có nuôi bò vỗ béo. Tuy nhiên, đối tượng thực hiện nuôi bò vỗ béo là hộ nghèo ở huyện Tây Sơn thì rất ít, do thiếu vốn. “Huyện hỗ trợ thực hiện mô hình này nhằm giúp người dân thoát nghèo. Hơn nữa khi trực tiếp tham gia vào mô hình nông dân có thêm nhiều trải nghiệm, tiếp nhận nhiều kiến thức mới. Không chỉ học được kỹ thuật vỗ béo mà hộ nghèo còn tiếp cận được các giống bò mới, có tỷ lệ máu lai cao như bò Kobe, Red Angus, BBB… Biết trồng những giống cỏ năng suất chất lượng cao như Mombasa, Mulato II, Paspalum, giúp bò tăng trọng tốt hơn”.
Qua 50 ngày vỗ béo, bò trong mô hình có chỉ số tăng trọng đáng kể, đảm bảo theo chỉ tiêu vỗ béo. Tăng trọng bình quân đạt trên 52 kg/con bò, bình quân mỗi con bò vỗ béo tăng 1,02 kg/ngày; lợi nhuận bình quân đạt
150 nghìn đồng/con bò/ ngày. Ông Trần Ao, nông dân ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành, chia sẻ: “Nuôi bò là nghề truyền thống lâu đời mà những người nông dân như chúng tôi quá thuần thục rồi. Tuy nhiên, nuôi theo hình thức vỗ béo được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn trong thời gian qua thì nhiều hộ chưa biết. Thực hiện cách này tôi quan sát con bò lớn trông thấy từng ngày”.
Mô hình nuôi bò vỗ béo tại hộ nông dân Huỳnh Thị Thu ở thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân.
Còn ông Trần Liên, nông dân ở thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân, nhìn nhận: “Tôi thấy chương trình này rất có ý nghĩa đối với các hộ nghèo. Nhờ nhà nước hỗ trợ 100% tiền thức ăn tinh, thuốc thú y, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ mỗi hộ từ 6 triệu đến 6,4 triệu đồng mua bò. Đó là điều kiện ban đầu để chúng tôi có cơ hội nuôi thử nghiệm. Qua đó, mới học được kỹ thuật vỗ béo bò như chọn những con bò trưởng thành, không quá già và có các đặc điểm phù hợp để vỗ béo. Hồi giờ cũng cho bò ăn cám, bắp, rau, rơm rạ bình thường. Thực hiện theo mô hình dùng công thức vỗ béo đảm bảo
2 thành phần gồm thức ăn tinh là cám viên tổng hợp và các loại thức ăn thô xanh, có tỷ lệ cho ăn cụ thể. Cách nuôi này bò phát triển tốt hơn nuôi kiểu truyền thống”.
Theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, 3 dự án nhân rộng giảm nghèo bền vững - phát triển sản xuất đa dạng sinh kế tại 2 xã Bình Tân và Bình Thành nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho hộ nghèo, là cầu nối giúp nông dân nghèo tiếp cận với phương thức chăn nuôi nuôi mới, tránh tình trạng xuất bán bò gầy làm giảm hiệu quả kinh tế chăn nuôi. “Dự án hỗ trợ cần câu, không hỗ trợ con cá. Thấy được hiệu quả rõ ràng việc của nông dân cần làm là mạnh dạn áp dụng, đầu tư nhân rộng mô hình, thay đổi phương thức chăn nuôi. Tích cực cùng với chính quyền địa phương, các ban, ngành tuyên truyền phổ biến để mọi người cùng học tập, nhân rộng. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Mỹ nhấn mạnh.
MỘC MIÊN