Xu hướng “sống xanh” ở TP Quy Nhơn
Xu hướng “sống xanh” ngày càng được phổ biến trong xã hội. Trên địa bàn TP Quy Nhơn, thời gian gần đây xu hướng này đã xuất hiện nhiều ở các cơ sở kinh doanh ăn uống với sự ưu tiên sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường thay thế dần thói quen dùng sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần (đồ nhựa).
Ống hút tre được sử dụng ở quán Ome Kitchen.
Theo anh Đỗ Minh Trung, nhân viên cửa hàng cà phê chuyên biệt Adiuvat (57A Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn), lâu nay, cơ sở cà phê Adiuvat đã sử dụng ống hút làm từ cỏ bàng thay cho ống hút nhựa, dùng cốc giấy thay cho cốc nhựa, dù giá thành cao hơn gấp 3 - 4 lần. Điều này xuất phát từ việc chúng tôi hiểu rõ tác hại của sản phẩm nhựa đến môi trường; đồng thời, tạo sự thân thiện gần gũi với môi trường tự nhiên đối với khách hàng.
Tương tự, ở Nhà hàng Santorino (81 Trần Phú, TP Quy Nhơn), hầu hết cốc đựng nước, ống hút, hộp đựng thức ăn đều làm từ nguyên liệu giấy đã qua xử lý đặc biệt. Chị Huỳnh Thị Ngọc Linh, quản lý nhà hàng, chia sẻ: “Bắt nguồn từ ý thức bảo vệ môi trường, cùng việc đảm bảo sức khỏe cho khách hàng, Nhà hàng đã lựa chọn việc sử dụng vật liệu thân thiện, dễ phân hủy. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp khách hàng dần quen với việc không dùng dụng cụ nhựa sử dụng một lần, từ đó góp phần hạn chế rác thải nhựa ra ngoài môi trường”.
Còn quán Ome Kitchen (32 Chu Văn An, TP Quy Nhơn), chuyên phục vụ ăn uống, cho hay, toàn bộ ống hút đều bằng chất liệu inox và bằng tre. Vì vậy, quán có thể tái sử dụng nhiều lần (sau khi đã được vệ sinh, khử trùng), hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. Hơn nữa, loại ống hút này có độ bền cao, giúp tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, quán còn ưu tiên sử dụng bát, đĩa, cốc đựng bằng thủy tinh và sứ. Chị Đặng Ngọc Huyền (chủ quán), cho biết: “Thay đổi từ việc sử dụng đồ dùng bằng nhựa sang các đồ dùng làm từ chất liệu thân thiện với môi trường là sự cố gắng của chúng tôi. Tuy không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng quán đã hạn chế tối đa đồ nhựa dùng một lần. Sự thay đổi này đã nhận được phản hồi tích cực từ hơn 90% khách hàng”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (khách hàng quen thuộc của quán Ome Kitchen), phấn khởi nói: “Tôi là người ủng hộ lối sống xanh, tôi thấy sự thay đổi này là dấu hiệu tích cực trong nhận thức của con người về việc chung tay bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất”.
Theo ghi nhận, ngoài những cơ sở kinh doanh nói trên, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều hàng, quán ăn, giải khát cũng đã có sự thay đổi, hạn chế sử dụng đồ nhựa.
Hạn chế sử dụng đồ nhựa không chỉ là một xu hướng mà là giải pháp nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa ra môi trường. Cùng với hiệu quả tuyên truyền từ các cơ quan ban ngành, giải pháp này đang dần lan rộng và được người dân đón nhận.
LINH DƯƠNG