Án giết người tăng
Mặc dù tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, xong tội phạm về trật tự xã hội lại diễn biến phức tạp (chiếm 44,7% số vụ); trong đó, tội giết người có xu hướng tăng với những hành vi dã man, coi thường pháp luật.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử tội giết người do TAND tỉnh xét xử gần đây.
Báo động
Theo thống kê của các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đầu năm đến nay đã khởi tố 18 vụ /34 bị can về tội danh giết người, so cùng kỳ tăng 10 vụ/26 bị can. Đáng nói, đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hơn. Tính chất, mức độ và hậu quả của tội phạm ngày càng nghiêm trọng. Theo ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội và sở hữu, Viện KSND tỉnh: “Nhìn lại những vụ án mạng xảy ra thời gian gần đây, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến án mạng thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Đó có thể là những tranh chấp liên quan đến đất đai, tiền bạc, tình cảm, mâu thuẫn cá nhân... nhưng không được giải quyết kịp thời dẫn đến bùng phát, gây ra những vụ án mạng thương tâm. Trước đây, kẻ thủ ác gây thương tích tới đâu sẽ bị xử lý tới đó, nhưng nay luật quy định rõ, chỉ cần đánh vào những vị trí trọng yếu của cơ thể người thì sẽ bị khép vào tội danh giết người. Điều này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, và đây cũng là lý do khiến việc khởi tố tội phạm giết người tăng”.
Hồ sơ những vụ án giết người được TAND tỉnh đưa ra xét xử thời gian qua cũng cho thấy, phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống, lẻ tẻ có sự dẫn lối của ma men, ma túy. Và trong khoảnh khắc không kiểm soát được mình, họ phạm tội giết người. Đơn cử như vụ Phạm Vĩnh Cát (SN 1987, TP Quy Nhơn) phạm tội giết người. Dù nạn nhân của Cát không chết, nhưng với hành vi dùng thanh sắt đường ray của cửa kéo trong nhà đánh vào đầu, vai, lưng cha mẹ ruột mình là ông Phạm Vĩnh Tường và bà Nguyễn Thị Trường, gây tổn thương cơ thể lần lượt là 26% và 47%, hành vi của Cát đã xâm hại đến tính mạng và sức khỏe của người khác, phạm tội giết người với tình tiết giết 2 người trở lên, giết cha mẹ mình và có tính chất côn đồ.
Trước đó, TAND tỉnh cũng đã đưa ra xét xử vụ án giết người do nhóm thanh niên còn khá trẻ (lớn nhất 22 tuổi và nhỏ nhất 17 tuổi) thực hiện. Điều đáng lưu ý ở vụ án này là nạn nhân vốn không hề quen biết, không có bất cứ hành vi, tác động nào đến các bị cáo, nhưng do bản chất ngông cuồng, côn đồ, hung hãn, bất chấp pháp luật, kẻ thủ ác đã dùng phảng chém chết tại chỗ 1 người.
Đặc điểm chung của loại án này là diễn ra nhanh, bất ngờ, hậu quả khó lường. Và trước tòa, các bị cáo cũng hết sức thản nhiên lý giải cho hành động dã man của mình: “Không nghĩ gì ngoài việc chỉ muốn chém người” hoặc “Tức nên đánh cho hả”!
Tăng cường công tác phòng ngừa
Tại buổi làm việc giữa CA tỉnh và Ban pháp chế HĐND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm năm 2020, các đại biểu đã dành thời gian phân tích và chỉ ra giải pháp kiềm chế và kéo giảm án giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội. Đó là, bên cạnh việc chủ động phát hiện sớm, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài, thì công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân cần được đẩy mạnh. Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hồng Sơn nêu quan điểm: “Siết chặt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động, xã hội… từ đó xây dựng, nhân rộng và phát huy các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở, khu dân cư, thôn bản, gắn với các phong trào, cuộc vận động, tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới, để những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đời sống được giải quyết sớm, hạn chế dần những xung đột âm ỉ kéo dài”.
Còn đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc CA tỉnh, cũng cho rằng, để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm trên, các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh, CA các địa phương, nhất là CA cấp xã sẽ tiếp tục bám sát địa bàn, sâu sát, gần gũi với nhân dân. Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú để kịp thời phát hiện, giải quyết mâu thuẫn ngay ở cơ sở và những nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, sử dụng bạo lực. Phối hợp quản lý chặt chẽ hoặc đưa vào cơ sở y tế chữa bệnh kịp thời đối với những người nghiện rượu nặng, có dấu hiệu thần kinh không bình thường, “ngáo đá”. Tăng cường nắm chắc tình hình, quản lý tốt địa bàn để điều tra, xử lý tội phạm giết người một cách nhanh chóng và nghiêm minh.
Thực tế cho thấy, để ngăn chặn được tội ác cần sớm phát hiện, hóa giải các mâu thuẫn trong từng gia đình, cộng đồng và xã hội, bởi một khi hành vi không được kiểm soát thì hậu quả gây ra hết sức thương tâm. Vậy nên ngoài sự chủ động của ngành chức năng, chính quyền, đoàn thể thì mỗi người dân cần hành xử đúng pháp luật, đừng vì một phút hành động côn đồ mà phải trả giá đắt bằng chính sự tự do và ăn năn suốt thời gian dài. Bị cáo Trần Đức Tuấn (SN 1969, tạm trú phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) phạm tội “Giết người”, sau khi nhận mức án chung thân vì hành vi giết người dã man của mình, bày tỏ: “Bị cáo ân hận lắm, cũng không lý giải được tại sao lúc đó lại hành động như vậy, nghĩ tới là giận chính mình”.
KIỀU ANH