Những thông điệp về bình đẳng giới
Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới (15.11 - 15.12), nhiều hội thi đã được tổ chức. Tại đây, cán bộ, hội viên phụ nữ đã gửi đến cộng đồng những thông điệp đa dạng, mạnh mẽ về bình đẳng giới.
Hội Phụ nữ xã Ân Phong đạt giải nhất Hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới.
Những thông điệp giàu ý nghĩa
Là địa phương diễn ra lễ phát động cấp tỉnh Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) năm 2020, hiệu quả truyền thông về công tác này ở Hoài Ân tiếp tục được nhấn mạnh, lan tỏa với sự thành công của Hội thi tìm hiểu kiến thức về BĐG, do Phòng LĐ-TB&XH cùng Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức. Dư âm từ Hội thi là những tiểu phẩm tuyên truyền tự biên tự diễn của cán bộ, hội viên phụ nữ 6 xã, thị trấn tham gia.
Nhân vật bà Nga trong tiểu phẩm “Ba đã hiểu ra rồi” của đơn vị xã Ân Đức (đạt giải nhì) là sự phản ảnh giản dị, chân thực những việc làm của biết bao phụ nữ trong tỉnh và cả nước thời gian qua: Quyên góp, giúp đỡ đồng bào miền Trung gặp thiên tai. Trách nhiệm, vinh dự với “chức phận” của một cán bộ phụ nữ cấp thôn, đặc biệt là vượt lên trên sự ích kỷ, cấm cản của chồng, bà Nga nhẫn nhịn, khéo léo sắp xếp việc nhà để “vác tù và hàng tổng” 10 năm ròng. Nút thắt được mở khi người chồng hối hận nhận ra lâu nay mình đã nhận thức lạc hậu, hẹp hòi mang tính định kiến giới, cho rằng “ruộng nương, bếp núc là của đàn bà/ hết việc thì ngồi chơi không/ lo chi ba chuyện bao đồng” cũng là lúc người vợ biết mình thật sự được giải phóng, bình đẳng trong gia đình và nhận sự chia sẻ, ủng hộ từ chồng để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Cũng mạnh mẽ thể hiện ý chí vượt khó vươn lên của phụ nữ, tiểu phẩm “Thấu hiểu và sẻ chia” của đội xã Ân Phong (đạt giải nhất) kể câu chuyện về một người con dâu là cô giáo mầm non đã khéo léo, âm thầm đấu tranh với rào cản bất BĐG trong giáo dục. Người mẹ chồng với suy nghĩ giản đơn, rằng công việc của con dâu chỉ là hằng ngày chăm sóc, dạy dỗ trẻ, hết việc ở trường về nhà cứ... chuyên tâm với con cái, việc nhà là… tự khắc tay nghề ngày càng cao, sao phải tốn kém đi học lên. Khắt khe là vậy nên bà áy náy và trỗi dậy tình thương sâu sắc khi biết con dâu đã nỗ lực gấp đôi để hóa giải hoàn cảnh không thuận lợi, vừa làm tốt việc chuyên môn vừa tích cực tham gia các công tác phong trào ở địa phương. Có thể thấy, ngoài các thông điệp về BĐG, các đội thi đã khéo léo xây dựng, đưa vào tiểu phẩm những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam như giàu lòng nhân ái, kiên trì, mềm mỏng, tích cực, mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn... Trong một dịp mà vẻ đẹp nữ quyền đang được đề cao như Tháng hành động vì BĐG, những vở kịch ngắn quần chúng giản dị ấy đã góp phần khẳng định, tôn vinh phụ nữ.
Thành công về nhiều mặt
Tháng hành động vì BĐG năm 2020 có chủ đề “Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, gặp gỡ với chủ đề công tác Hội phụ nữ tăng cường thực hiện trong 2 năm qua, đó là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Sinh động không kém phần biểu diễn tiểu phẩm, phần xử lý tình huống tại Hội thi phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Phòng LĐ-TB&XH cùng Hội LHPN TP Quy Nhơn phối hợp tổ chức là dịp ghi nhận khả năng, tâm huyết của những tuyên truyền viên BĐG. Nhận diện các hình thức bạo lực trên cơ sở giới qua ảnh, sau phút chuẩn bị ngắn ngủi, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã đưa ra lời khuyên, giải pháp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả, nhất là gửi đi những thông điệp kêu gọi cộng đồng hành động để chấm dứt bạo lực thúc đẩy BĐG, xây dựng xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Theo bà Ngô Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH, nét mới đáng ghi nhận tại các hội thi năm nay là sự bài bản, chặt chẽ trong khâu xây dựng nội dung, giúp thông điệp được chuyển tải đầy đủ, đa dạng và giữa các phần thi đảm bảo tính mới mẻ, thu hút. Hội thi tại Hoài Ân với 6 đội đã làm bật các nội dung cơ bản về BĐG cũng là những bất BĐG thường gặp trong gia đình và đời sống xã hội (trong xây dựng gia đình hạnh phúc, trong giáo dục, trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ...). Hội thi do Tỉnh đoàn tổ chức (ngày 22.11 tại Trường CĐ Y tế Bình Định), dưới góc nhìn của người trẻ, tình trạng “bất BĐG ngược” được đề cập, mới mẻ và đáng suy ngẫm cho người xem. Trong các tiểu phẩm, đâu đó vẫn có những chị em tận dụng tối đa chuyện BĐG, tự cho mình là “phái yếu”, tránh né những việc mà mọi phụ nữ bình thường đều làm được, vô tình làm hạn chế khả năng của bản thân. Đó là câu chuyện về những chàng trai, người đàn ông trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn “gồng mình” vì tự khuôn mẫu giới, buộc mình phải giấu đi cảm xúc thực, bỏ qua nhu cầu giải tỏa tinh thần của bản thân để luôn luôn cứng cỏi cho đúng với “phái mạnh”...
Sự đa dạng, bao quát về nội dung và mạnh mẽ, truyền cảm về thông điệp là thành công nổi bật của các hội thi.
SAO LY