“Nối” người mù với thế giới
Cầu nối ấy là chiếc điện thoại thông minh Vsmart Bee 3 được cài đặt một số ứng dụng dành cho người mù.
Ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh (đứng) hướng dẫn học viên cách sử dụng điện thoại thông minh.
Khó nhưng hấp dẫn
Để phát huy hiệu quả, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển công nghệ cho người mù tại TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Thư viện Sách nói miễn phí cho người mù Hướng Dương) mở 2 lớp hướng dẫn cho 30 người mù trong tỉnh cách sử dụng điện thoại nhằm tăng tính chủ động tiếp cận thông tin xã hội, giảm sự phụ thuộc vào người khác.
Đa số học viên thừa nhận lớp hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh rất khó, bởi họ buộc phải ghi nhớ khá nhiều thứ như: Vị trí, chức năng của từng biểu tượng trên màn hình điện thoại, bảng chữ cái, chữ số. Một hai ngày đầu đi học rất “dễ nản” vì tình trạng biểu tượng bị mất hoặc xáo trộn vị trí theo thầy hướng dẫn nên phải nhờ sắp xếp lại. Hoặc vừa mới sắp xếp xong, chạm tới chạm lui một hồi, biểu tượng lại “chạy đâu mất”...
Khó, nhưng 30 học viên (được chia làm hai lớp) vẫn bám lớp đến buổi cuối. Bà Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển công nghệ cho người mù, cho biết rất ấn tượng với điều này. Chia sẻ lý do “vượt khó bám lớp”, học viên Bùi Minh Ngọc (TX An Nhơn) cho biết: “Anh em chúng tôi nhận thấy, mỗi ứng dụng có hiệu quả rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu về thông tin, kết nối, giao tiếp, giải trí, mua sắm, tiêu dùng, tư vấn sức khỏe… Vậy là người này động viên người kia cố gắng học hỏi để cuộc sống của mình sau này dễ dàng, thuận lợi hơn, có ích hơn với cộng đồng, xã hội”.
Ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh và là người hướng dẫn lớp tập huấn sử dụng điện thoại, cho biết trong điều kiện Hội còn rất khó khăn như không có chỗ ăn, ở, một số người (nhất là từ TX Hoài Nhơn vào) vẫn kiên trì, nhẫn nại, thậm chí trải chiếu nằm ngủ dưới nền nhà để theo lớp.
Tham dự lớp học, mỗi học viên được tặng một chiếc điện thoại thông minh Vsmart Bee 3, do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển công nghệ cho người mù tại TP Hồ Chí Minh tài trợ. Chiếc điện thoại này đã được cài đặt sẵn phần mềm hỗ trợ giọng nói để hỗ trợ người mù…
Giảm phụ thuộc, chủ động tiếp cận thông tin
Lễ bế giảng lớp hướng dẫn người mù sử dụng điện thoại thông minh chiều 27.11 có không khí khá rộn rã với tiếng chuông điện thoại réo rắt, tiếng chuyện trò qua facebook, zalo, tiếng nhạc, tiếng phát thanh viên đọc bản tin… Bà Văn Thị Sang, 51 tuổi, ở xã Tây An (huyện Tây Sơn) cho biết mấy ngày qua, bà có thể vừa ngồi kết cườm vừa nghe những bài “nhạc đỏ” mình yêu thích. Trước đây muốn nghe phải nhờ người mở giúp, giờ thì bà tự vào google hay youtube tìm kiếm rồi bật nghe bất cứ lúc nào.
3 ngày qua, bạn bè của Trần Nhật Huy (TP Quy Nhơn) tỏ ra ngạc nhiên khi nhận lời kết bạn trên facebook từ Huy. Chị Đặng Thúy Hạnh, mẹ Huy cho biết cách đây 4 năm, cậu con trai duy nhất đang học lớp 10 thì bị vỡ một mạch máu não, chèn dây thần kinh thị giác khiến đôi mắt mờ dần. “Con từng hụt hẫng và buồn rất nhiều. Tôi cũng đã mua điện thoại thông minh cho con dùng nhưng hầu như chỉ thấy con nghe nhạc. Sau lần tập huấn này, tôi thấy con về nhà thao tác rất nhiều trên điện thoại, tinh thần phấn chấn hẳn, chủ động liên hệ với bạn bè, kết thêm nhiều bạn mới ở khắp nơi; thường xuyên nghe tin tức, chia sẻ với tôi về mơ ước vào đại học. Thấy con thay đổi tích cực, tôi rất hạnh phúc”, chị Hạnh trải lòng.
Theo bà Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh nếu chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, chiếc điện thoại thông minh còn có nhiều ứng dụng rất hữu ích. Bà chia sẻ nhiều kinh nghiệm về việc này. Chẳng hạn ở tỉnh Quảng Nam, năm nay, lần đầu tiên không có người mù nào phải đối mặt với nguy hiểm trong mùa bão lũ vì hầu như đã tham gia nhóm zalo. Họ thường xuyên nhắn tin, chia sẻ về tình hình bão lũ, nhắc nhau ở yên trong nhà, hỏi ai chưa đến nhà tránh bão thì báo ngay để chính quyền biết mà đến hỗ trợ. Một số người sử dụng thành thạo ứng dụng chỉ đường trên google nên không cần hỏi người đi đường nhiều. Một số người mù nhắn thông tin về công việc mình đang làm để mọi người biết đến, ủng hộ. Ví dụ: Xin chào, tôi tên là A, làm nghề massage, là người khiếm thị, 1 suất massage là 80.000 đồng. Tôi có thể đến nhà anh chị thực hiện việc massage. Nếu quý anh chị có nhu cầu hãy gọi điện thoại cho tôi theo số 090…
“Tôi hết sức lưu ý mọi người rằng, mạng xã hội luôn có hai mặt. Mọi người hãy cân nhắc, đừng vội tin tưởng để bị mắc lừa. Về phần Trung tâm, tôi sẽ cố gắng để mở tiếp một số lớp mới tại Bình Định vào năm 2021”, bà Quỳnh cho biết.
NGỌC TÚ